Định hình chương trình nghị sự hàng hải Biển Đông

Thứ Hai, 29/08/2016, 19:20
Đây là chủ đề chính của Hội nghị lần thứ 5 về Biển Đông do Viện nghiên cứu hàng hải Malaysia (MIMA) tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur ngày 29-8.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, 200 đại biểu là các nhà ngoại giao, các chuyên gia luật pháp đến từ các nước trong và ngoài Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bàn thảo về những quan điểm khác biệt trong nội bộ ASEAN xung quanh vấn đề Biển Đông.

Hội nghị cũng bàn thảo về tình trạng leo thang căng thăng, gia tăng hoạt động đơn phương mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và kết quả cũng như việc thực hiện phán quyết của tòa án trọng tài biển Liên Hợp Quốc về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về sự can dự của những nước lớn vào Biển Đông và các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia Devamany Krishnasamy cho rằng, trong thời gian qua, ASEAN phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được cho các tranh chấp trên Biển Đông.

Riêng Malaysia luôn nhất quán kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). 

Ông Devamany Krishnasamy cũng bày tỏ mong muốn hội nghị lần này sẽ có những đóng góp lành mạnh và tích cực vào tiến trình đàm phán chính thức giữa các bên về Biển Đông. 

Trong khi đó, GS Michael Heazle thuộc Đại học Griffith ở Australia cho rằng, nguy cơ gia tăng xung đột ở Biển Đông là do thiếu sự chủ động mạnh mẽ từ các quốc gia ASEAN trong vấn đề này. 

Chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm ngoại giao và an ninh hàng hải thuộc MIMA Sumathy Permal cho rằng, ASEAN cần phải chuẩn bị trước những kịch bản cho việc Trung Quốc bất chấp tất cả, tiếp tục gia tăng hoạt động và sự hiện diện quân sự trên các vùng biển tranh chấp.

Huyền Chi
.
.
.