Đàm phán hòa bình Palestine và Israel vẫn trắc trở
- Đàm phán hòa bình tại Syria sẽ diễn ra trong vòng 24-48 giờ tới
- Cơ hội cuối cùng cho đàm phán hòa bình ở Ukraine
Ngược lại, Palestine miêu tả hội nghị hòa bình Paris là sự thể hiện quốc tế đối với việc nhận thức rõ hòa bình giữa Palestine và Israel.
Được đánh giá là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, phần lớn thế giới mong muốn hòa bình cho Palestine - Israel và coi “giải pháp 2 nhà nước” là “tuyệt đối cần thiết hơn bao giờ hết”. Để đạt được điều này, Hội nghị hòa bình Trung Đông diễn ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của ông Trump.
Tuy nhiên, không có nhân vật nào của chính quyền sắp nhậm chức của ông Trump tham dự. Đáng buồn hơn, cả Israel lẫn Palestine là hai bên xung khắc trực tiếp với nhau đều không tham gia.
Hội nghị hòa bình Trung Đông diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp. |
Thủ tướng Netanyahu thậm chí còn chỉ trích Hội nghị hòa bình Trung Đông là nhằm chống lại nhà nước Do Thái, đồng thời hội nghị này là “hội nghị phù phiếm” khi muốn làm hồi sinh tiến trình hòa bình Israel - Palestine. Ông Netanyahu cho rằng, đây (hội nghị này - PV) là đòn phối hợp giữa Pháp và Palestine nhằm áp đặt lên Israel các điều kiện vốn không tương xứng với những lợi ích quốc gia của nước ông.
Ngược lại, Palestine hoan nghênh hội nghị này, trong đó nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của thế giới cho một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua. Ramallah đồng thời bày tỏ sự giận giữ trước việc Tel Aviv liên tiếp coi thường những nghĩa vụ về hòa bình và những hoạt động vi phạm của Israel, chủ yếu là hoạt động xây nhà định cư, vốn hủy hoại giải pháp 2 nhà nước.
Bà Hanan Ashrawi, thành viên cấp cao của Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cho hay: “Hội nghị công bố những ý định, cam kết đối với giải pháp hai nhà nước. Hội nghị không đặt ra cách thức, thời hạn cụ thể mà chỉ kêu gọi cả hai bên quay trở lại đàm phán.
Tuy nhiên, cần phải xác định cơ sở của các cuộc đàm phán là gì và hành vi của Israel là gì khi họ được biết đến như một kẻ xâm lược”. Bên cạnh đó, Palestine cũng kêu gọi thành lập một mặt trận quốc tế để ủng hộ các kết quả của Hội nghị hòa bình Paris.
Hội nghị hòa bình Trung Đông lần này diễn ra với nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine – Israel. Ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cảnh báo nguy cơ bùng nổ bạo lực mới ở khu vực Trung Đông nếu ông Trump quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Liên quan tới vấn đề này, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng, đây sẽ là một “hành động khiêu khích” và là mối đe dọa tới các nỗ lực cho một giải pháp “hai nhà nước” đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Nếu Tổng thống đắc cử Trump thực hiện kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ như tuyên bố, điều này sẽ gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Ngoại trưởng Ayrault bày tỏ tin tưởng, ông Trump sẽ không làm như tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. “Khi là tổng thống Mỹ, bạn không thể đưa ra quan điểm ngoan cố và đơn phương như vậy mà cần cố gắng kiến tạo các điều kiện cho hòa bình”, ông Ayrault nói, đồng thời khẳng định Paris sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với chính quyền mới tại Washington.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, việc đưa vấn đề này vào tuyên bố kết thúc Hội nghị hòa bình Trung Đông ở Paris là “không phù hợp”. Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, ông Kerry cho biết vấn đề này đang được tranh luận công khai tại Mỹ và không dành cho một diễn đàn quốc tế.
Trước đó, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị hòa bình Trung Đông, hơn 70 quốc gia đã kêu gọi Israel và Palestine nhắc lại các cam kết về một thỏa thuận hòa bình, đồng thời tránh thực hiện những hành động đơn phương.
Tuyên bố kêu gọi Israel và Palestine “chính thức nhắc lại cam kết của hai bên đối với giải pháp hai nhà nước” và tránh xa những ý kiến phản đối điều này. Bản tuyên bố cũng kêu gọi hai bên không nên có những hành động đơn phương có khả năng làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán.
Trong nhiều thập niên qua, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã nhiều lần bị đình trệ rồi lại tái khởi động. Tuy nhiên, cho tới nay, các vòng đàm phán vẫn liên tục bị đổ vỡ.
Giải thích cho những thất bại này, các nhà phân tích chỉ ra rằng, những bất đồng vốn đã tồn tại từ lâu giữa Israel và Palestine rất khó hóa giải. Mặc dù các bên đều tuyên bố mong muốn đạt một thỏa thuận hòa bình song trên thực tế vẫn chưa thực sự có một bước đột phá nào trong các vòng đàm phán, mà chỉ là cố gắng thu hẹp các bất đồng.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa người Palestine và Israel chưa có hồi kết, việc Tel Aviv từ chối tham dự Hội nghị hòa bình Trung Đông lần này đã khiến hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Trung Đông giữa hai nước ngày càng trở nên xa vời.