Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đứng trước phép thử lớn

Thứ Năm, 30/08/2018, 09:49
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 28-8 (giờ địa phương) tuyên bố Mỹ có khả năng sẽ nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên, một quyết định được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện ngày càng rõ nét những dấu hiệu căng thẳng và rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức ngày 28-8 tại Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh rằng quyết định tạm ngừng tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn chỉ là “một nghĩa cử đầy thiện chí” của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước tại Singapore ngày 12-6 vừa qua, thêm nữa, thời điểm này, Mỹ vẫn đang bỏ ngỏ khả năng tiếp tục duy trì biện pháp mang tính “hòa hảo” này. 

Đáp lại câu hỏi của báo giới về các cuộc tập trận quân sự của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh: “Chúng tôi đã dừng kế hoạch tiến hành một số cuộc tập trận quân sự lớn nhất. Tuy nhiên chúng tôi không dừng các cuộc tập trận khác. Vì vậy vẫn có các cuộc diễn tập vào các thời điểm trên bán đảo Triều Tiên”. 

Người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ cũng cho biết, lý do nhiều người không biết về các cuộc tập trận này là Triều Tiên không lên tiếng chỉ trích vì có thể “phá vỡ các thiện chí đàm phán”. 

“Vì vậy, các cuộc tập trận vẫn tiếp tục. Điều đó có nghĩa là trên thực tế, chúng tôi không có sự thay đổi nào đối với các chương trình tập trận vào thời điểm này”, ông Mattis lưu ý thêm. 

Lãnh đạo Mỹ-Triều trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore. Ảnh Reuters.

Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương dừng các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn, một quyết định được đưa ra gây bất ngờ với giới hoạch định quân sự Mỹ và cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích khi bị cho là một nhượng bộ quá sớm đối với Triều Tiên. 

Thêm nữa, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định về các cuộc tập trận quân sự chính trên bán đảo Triều Tiên vào năm tới, và kế hoạch này sẽ phụ thuộc nhiều vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra sau khi báo chí đối ngoại của Triều Tiên trong tuần này cáo buộc Mỹ có thái độ “nước đôi” đối với Bình Nhưỡng, khi vừa muốn ngồi vào bàn đối thoại nhưng vẫn có ý định tiến hành các cuộc tập trận quân sự. 

Trước đó, hàng loạt báo đài quốc tế đưa tin rằng trích dẫn tin tức của một đài phát thanh Hàn Quốc về các cuộc tập trận bí mật của lực lượng Mỹ trên bờ biển phía Nam Hàn Quốc và ở Nhật Bản, tuần báo Tongil Shinbo của Triều Tiên đã chĩa thẳng mũi giáo chỉ trích vào Mỹ, cho rằng: “Chính quyền Mỹ thường rao giảng hòa bình và ổn định trên thế giới và trên Bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên, đó chỉ là một bước đi che mắt dư luận trong và ngoài nước”, và rằng Mỹ vẫn đang muốn chống phá nước này. 

Giới quan sát cho rằng bài bình luận trên tờ báo này không chỉ đơn thuần tập trung vào các hoạt động quân sự của Mỹ, mà dường như gián tiếp thể hiện quan điểm của Bình Nhưỡng về quyết định hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng theo kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng như sự mất niềm tin của Triều Tiên đối với chính quyền Tổng thống Trump. 

Trước đó, ngày 26-8, một bài xã luận trên tờ Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, cũng cáo buộc Mỹ “hai mặt” và đang ấp ủ âm mưu chống lại nước này. 

Trong một bức thư gửi tới quan chức Mỹ, Triều Tiên cũng cho rằng, các bước đi của Mỹ chưa đáp ứng mong đợi của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa có thể bị đổ vỡ.

Theo giới phân tích, việc để ngỏ khả năng nối lại các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể là dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mất dần kiên nhẫn với Triều Tiên khi sau “5 cái bắt tay và 4 cam kết” tại thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12-6, nhưng cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu nào sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách đơn phương như những gì mà chính quyền ông Trump mong muốn. 

Trong một diễn biến có liên quan khác, Tổng thống Mỹ ngày 24-8 cũng đã quyết định hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Triều Tiên với một thông báo ngắn gọn trên trang Twitter cá nhân, cùng với đó là việc ông lần đầu tiên thừa nhận các nỗ lực thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đã không thực sự đạt được những tiến trình và kết quả như mong đợi. 

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo và đặc phái viên mới được bổ nhiệm về đàm phán hạt nhân với Triều Tiên Stephen Biegun tới Bình Nhưỡng được lên kế hoạch diễn ra trong tuần này để tiến hành cuộc đàm phán thứ 4 với Triều Tiên nhằm thuyết phục nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. 

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trong một tuyên bố được đưa ra sau đó cũng cho rằng, có khả năng Triều Tiên đang “suy nghĩ lại” về các cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

Tuy vậy, hãng CNBC cũng cho rằng, với việc Ngoại trưởng Pompeo hủy thăm Bình Nhưỡng, Mỹ đang tự đẩy mình vào thế đàm phán yếu hơn so với trước Thượng đỉnh Trump – Kim.

Trái ngược lại với tiến trình khá chậm chạp trong đàm phán Mỹ-Triều, hai miền Triều Tiên lại có bước tiến “xích lại gần nhau” rõ rệt và hiệu quả hơn. 

Điều này thể hiện ở việc Bình Nhưỡng mới đây nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị li tán vì chiến tranh liên Triều (1950 – 1953) sau 3 năm gián đoạn cũng như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đàm phán với Bình Nhưỡng về việc giảm quân số dọc Khu phi quân sự (DMZ), bất chấp những quan ngại rằng điều này làm suy yếu tuyến đầu phòng thủ cho Seoul. 

Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ và Triều Tiên đang bị đình trệ, các quan chức Hàn Quốc liên tục nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3. 

Theo giới quan sát, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới tại Bình Nhưỡng, có thể sẽ là cơ hội tháo gỡ thế bế tắc hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như tiến trình đàm phán hướng tới phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Duy Tiến
.
.
.