Cuộc chiến pháp lý giữa Iran và Mỹ

Thứ Tư, 29/08/2018, 08:47
Chiều 28-8, các luật sư của Iran đã đưa ra lập luận về các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp dụng gây tổn hại lớn đến nền kinh tế nước này. Đáp lại, phía Mỹ cũng tuyên bố sẽ tự vệ một cách mạnh mẽ tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague của Hà Lan

Hãng tin Reuters cho hay, các luật sư Iran đã yêu cầu ICJ ra phán quyết buộc Mỹ phải tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế mà Washington đang áp dụng với Tehran. 

Theo phía Iran, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế vốn yếu kém của nước này, đồng thời vi phạm những điều khoản của Hiệp ước hữu nghị năm 1955 giữa hai nước. 

Một lý do nữa là chính quyền Tehran muốn thể hiện quyết tâm chống lại cái gọi là "thói quen vi phạm luật quốc tế của Mỹ". 

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Iran Hassan Rohani cho rằng, Mỹ đã không chân thành cho dù Tổng thống Donald Trump có để ngỏ về việc ký một thỏa thuận mới thay thế thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). 

Một phiên xử tại ICJ ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: AP.

Ông Hassan Rohani nói: "Những gì ông Donald Trump đang làm là chống lại Iran và chống lại lợi ích của chúng tôi. Iran sẵn sàng cho các giải pháp ngoại giao nếu Mỹ cho thấy sự trung thực". Đồng thời Tổng thống Iran cũng kêu gọi các bên còn lại ký JCPOA nhanh chóng hành động như những điều đã cam kết để bảo vệ thỏa thuận lịch sử này.       

Tại phiên tòa, đại diện cho Iran, ông Mohsen Mohebi cũng đã nhấn mạnh, chuyện Mỹ tái áp đặt trừng phạt là phi lý khi Iran vẫn tuân thủ đúng các điều khoản thỏa thuận năm 2015. Ông Mohsen Mohebi khẳng định, các biện pháp trừng phạt không những tác động xấu đến nền kinh tế và xã hội của Iran mà còn đe dọa sự ổn định của khu vực Trung Đông.  

"Chính sách này không khác gì một cuộc xâm lược kinh tế chống lại đất nước của tôi", ông Mohsen Mohebi nói với tòa án. 

Đồng thời, để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Mohsen Mohebi đã thông tin rằng các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) hồi năm 2015, khi ông Barack Obama vẫn còn là Tổng thống Mỹ. 

JCPOA đã đưa ra các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran nhằm đổi lấy hầu hết các biện pháp trừng phạt của Mỹ và quốc tế đối với Tehran. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại có thời hạn và không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran hay các chính sách khu vực. Và đây chính là lý do để Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump rút khỏi JCPOA hồi tháng 5. 

Ông Donald Trump đã gọi JCPOA "là một thỏa thuận phiến diện, không đáp ứng mục đích căn bản nhằm ngăn chặn mọi con đường mà Iran phát triển bom nguyên tử".

Chưa hết, vào đầu tháng 8, ông chủ Nhà Trắng còn tái áp dụng một loạt lệnh trừng phạt đơn phương nghiêm ngặt đối với Iran bao gồm ngăn chặn Tehran thu mua USD, cấm các hoạt động xuất nhập khẩu kim loại, than, các phần mềm liên quan đến công nghiệp và ngành sản xuất ôtô. 

Giới chức Mỹ cho biết, gói trừng phạt thứ 2 sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 11 tới, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ quan trọng của Iran. Nhà Trắng tuyên bố có 100 tập đoàn quốc đồng ý sẽ rời Iran sau lệnh cấm vận mới và Washington sẽ vận động để tiến tới "không nước nào nhập khẩu dầu từ Tehran"...

Phiên xử tranh tụng pháp lý giữa Iran và Mỹ được ICJ mở từ hôm 27-8 theo đơn kiện mà Tehran nộp lên hồi tháng 7. Dự kiến, tòa sẽ nghe tranh tụng trong 4 ngày nhưng phải mất hàng tháng mới có thể đưa ra quyết định liệu có nên ra phán quyết về đề nghị của Tehran hay không. Phán quyết cuối cùng cho vụ kiện được dự báo có thể sẽ phải mất tới vài năm. 

Ban đầu, Mỹ không định tham gia biện luận nhưng sau đó vẫn cử một đoàn luật sư do cố vấn Bộ Ngoại giao Jennifer Newstead dẫn đầu. Trước khi phiên tòa bắt đầu, Washington đã gửi một văn bản đến tòa khẳng định ICJ không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. 

Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp gỡ báo chí tuyên bố, nước này sẽ "tự vệ một cách mạnh mẽ" trong vụ Iran đâm đơn kiện. Vì thế, ngay khi bắt đầu phiên xử, Chánh án Abdulqawi Yusuf, người đứng đầu hội đồng thẩm phán của phiên tòa đã kêu gọi Mỹ tuân thủ bất kỳ phán quyết nào mà tòa có thể đưa ra. 

Báo chí Mỹ đưa tin, Iran và Mỹ từng có lịch sử kiện tụng tại tòa án tư pháp quốc tế trong vụ khủng hoảng Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và việc tàu chiến Mỹ bắn hạ một chiếc máy bay chở khách của Iran vì tưởng là máy bay chiến đấu. 

ICJ là tòa án được Liên Hợp Quốc lập ra vào năm 1946 chuyên giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Các phán quyết của tòa mang tính ràng buộc, nhưng lại không có chế tài nào để thực thi.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran trì trệ. Đồng rial của Iran giảm tới 1/2 giá trị. Tính đến cuối tháng 8, các tập đoàn Total, Peugeot và Renault của Pháp, cũng như tập đoàn Siemens và Daimler của Đức đã ngừng hoạt động tại Iran. Còn 2 hãng hàng không Air France và British Airways thì thông báo ngưng các chuyến bay đến Tehran từ tháng 9. 

Tổng thống Iran Hassan Rohani đang phải chịu sức ép từ mọi phía và buộc phải trả lời chất vấn về tình hình đất nước trước Quốc hội ngày 28-8. Trong khi đó, các đồng minh chủ chốt của Mỹ tham gia JCPOA cũng đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan". 

Nhiều nước trong số đó không ủng hộ hành động của Mỹ với Iran nhưng cũng không dám lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Chỉ có Liên minh châu Âu hồi tuần trước "dũng cảm" công bố gói hỗ trợ tài chính đầu tiên của mình để giúp thúc đẩy kinh tế Iran - một phần cam kết của khối nhằm giữ cho thỏa thuận hạt nhân Iran còn sống.

Phan Hiển
.
.
.