Cuba và EU mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực

Thứ Tư, 11/09/2019, 08:11
Trong khuôn khổ cuộc họp mang tên Hội đồng chung Cuba – Liên minh châu Âu (EU) lần thứ hai diễn ra hôm 9-9 tại Thủ đô La Habana, hai bên nhất trí khép lại chu kỳ triển khai Hiệp định Đối thoại Chính trị và Hợp tác (ADPC), được ký kết năm 2016, để tiếp tục mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Hai bên cũng thảo luận về các biện pháp thắt chặt cấm vận mới mà Mỹ vừa đưa ra chống Cuba, cũng như các đề tài về chương trình nghị sự quốc tế.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla cho biết, trong vòng một năm kể từ Hội đồng chung lần thứ nhất tại Brussels, hai bên đã tiến hành tới năm vòng đối thoại chính trị, tổ chức các kỳ họp đầu tiên của Ủy ban Hợp tác và của Ủy ban chung, trao đổi nhiều đoàn thăm cấp cao, đặt nền tảng cho mối quan hệ song phương thời kỳ mới.

Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla nhấn mạnh trong năm qua, hợp tác hai bên đã có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, văn hóa và trao đổi chuyên gia về hiện đại hóa nền kinh tế, đồng thời nhận định cuộc họp lần này đánh dấu khởi đầu của một giai đoạn hợp tác mới với những mục tiêu cao hơn.

Về phía EU, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini cho biết với cách làm việc có hệ thống và khẩn trương, hai bên đã khép lại chu kỳ của mở rộng và củng cố đối thoại chính trị, trong đó hai bên cũng đã thúc đẩy những sáng kiến song phương và đa phương của Nghị trình 2030, với các chủ đề như bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, năng lượng bền vững, việc làm xứng đáng, tăng trưởng kinh tế gắn với giảm bớt chênh lệch xã hội.

Tại cuộc họp báo chung sau cuộc họp, bà Federica Mogherini thông báo về khoản tài trợ 15 triệu euro (tương đương khoảng 16,55 triệu USD) của EU cho Cuba trong khuôn khổ dự án tìm hiểu văn hóa mang tên Transcultura, khẳng định đây là minh chứng cho quan hệ Brussels – La Habana dựa trên tình hữu nghị sâu sắc và tôn trọng lẫn nhau.

Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla và bà Federica Mogherini tại Thủ đô La Habana ngày 9-9. Ảnh: CubaDebate.

Nhấn mạnh vai trò của khối này trong tư cách là đối tác thương mại số một và nhà đầu tư lớn nhất vào Cuba, với mức đầu tư tăng gần ba lần từ 50 triệu euro năm 2016 lên 140 triệu euro năm 2018, người đứng đầu ngành ngoại giao EU tái khẳng định quan điểm “phản đối mạnh mẽ” việc Chính phủ Mỹ kích hoạt Điều III của Luật Helms-Burton chống Cuba, coi đây là việc áp dụng phi pháp các biện pháp ép buộc đơn phương có hiệu lực ngoài lãnh thổ, đồng thời cam kết Brussels sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi chính đáng và các nhà đầu tư của mình tại Cuba.

Về phần mình, Ngoại trưởng Cuba cảm ơn lập trường truyền thống của EU trong việc phản đối chính sách bao vây cấm vận của Washington chống La Habana nói chung, cũng như đối với bước đi kích hoạt Điều III của Luật Helms-Burton nói riêng, đồng thời nhắc lại rằng chính sách thù địch phi lý này của Mỹ là rào cản chính cho công cuộc phát triển đất nước Cuba, cũng như ảnh hưởng tới chủ quyền và quyền lợi của các quốc gia, các doanh nghiệp và công dân EU.

Cuộc họp thứ nhất của Ủy ban Hỗn hợp Cuba – EU đã diễn ra hôm 3-9 tại Thủ đô La Habana. Dẫn đầu phái đoàn Cuba trong cuộc họp lần này là Vụ trưởng Vụ các vấn đề song phương thuộc Bộ Ngoại giao Cuba Emilio Lozada Garcia. Trong khi đó, đứng đầu phái đoàn EU tham dự cuộc họp là Phó giám đốc phụ trách châu Mỹ thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) Hugo Sobral.

Tại cuộc họp, hai phái đoàn đã trao đổi về tình hình liên quan việc phê chuẩn hiệp định từ phía các quốc gia thành viên EU, cũng như tiến triển của các cuộc đối thoại chính trị và hợp tác. Hai bên cũng đề cập đến vấn đề thiết lập đối thoại về các chính sách trong nhiều lĩnh vực và tầm quan trọng của việc tăng cường thương mại và đầu tư; trao đổi chi tiết về sự cần thiết của việc chống lại việc áp dụng Luật Helms-Burton do Mỹ sử dụng nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba và những tác động ngoài lãnh thổ của điều luật này đối với các cá nhân và pháp nhân châu Âu.

Tiến trình đàm phán PDCA giữa Cuba và EU bắt đầu vào năm 2014, với 7 vòng đàm phán. Ngày 12-12-2016, Hiệp định này đã được hai bên ký kết và được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 5-7-2017 vừa qua. Theo đó, từ ngày 1-11-2017, hầu hết các nội dung của Hiệp định đã có hiệu lực tạm thời, trong khi việc thực hiện đầy đủ sẽ bắt đầu sau khi tất cả các thành viên EU phê chuẩn. Hiệp định PDCA gồm 3 chương chính là thúc đẩy thương mại song phương, đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế. Các lĩnh vực quan tâm chung cũng được đề cập, bao gồm nguồn năng lượng tái tạo, phát triển nông thôn, môi trường, nhân quyền, quản lý hiệu quả, an ninh và tạo việc làm.

Theo bà Federica Mogherini, với việc thực hiện Hiệp định, EU đã xích lại gần hơn với đất nước và người dân Cuba. Tất cả 28 thành viên EU đều ủng hộ việc thực hiện hoạt động trao đổi với tất cả các bên liên quan của Cuba, bao gồm khu vực công, chính quyền địa phương, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện.

Về phần mình, Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla nhấn mạnh, bước đi này có ý nghĩa lớn trong việc hủy bỏ hoàn toàn “Quan điểm chung” của EU về Cuba, vốn được coi là tàn tích của quá khứ đối địch. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định, trên cơ sở Hiệp định PDCA, hai bên sẽ có những bước tiến từ đối thoại chính trị cho đến hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại.

Các nhà phân tích đánh giá, Hiệp định PDCA được coi là khung pháp lý để hai bên phát triển quan hệ trong tương lai và bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương. Trước đó, Cuba là nước duy nhất tại khu vực chưa có cơ sở pháp lý thống nhất cho đối thoại và hợp tác với EU, dù quốc đảo này đã ký hiệp định song phương với 15 quốc gia thành viên của Liên minh này.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với EU đem đến cho Cuba cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ một đối tác lớn, giàu tiềm lực trong quá trình cải cách và thúc đẩy phát triển kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ. EU đã cam kết viện trợ phát triển cho Cuba 50 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020.

Khổng Hà
.
.
.