Cử tri châu Âu lũ lượt đi bầu cử EP trong ngày quyết định

Chủ Nhật, 26/05/2019, 16:09
Phần lớn người dân các nước trong Liên minh châu Âu (EU) ngày 26-5 đã tiến hành đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), cuộc bầu cử quan trọng mang tia hy vọng về một mái nhà chung châu Âu đoàn kết và vững mạnh hơn. 

Theo Reuters, các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa từ 7h sáng ngày 26-5 tại khu vực phía đông của châu Âu và đóng cửa lúc 11h tối (giờ địa phương) tại Italia. Trước đó, 7 trong 28 nước EU đã tiến hành bỏ phiếu trong các ngày 23 và 24-5.

Với sự tham gia của tất cả các quốc gia thuộc khối EU, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 được coi là một trong những cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau cuộc bầu cử tại Ấn Độ vừa qua. 

Các cuộc thăm dò ý kiến trước đó đều cho thấy phe dân túy và cực hữu phản đối nhập cư có thể sẽ giành được số phiếu ủng hộ áp đảo trong cuộc bầu cử này, nhất là tại 3 quốc gia lớn là Italia, Anh và Pháp. 

Cử tri Latvia đi bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên tại Hà Lan, một trong số 7 quốc gia tổ chức bầu cử sớm, phe cánh tả đã đạt được thành công bất ngờ, khi giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử EP diễn ra ngày 23-5, qua đó đánh bại đảng Tự do của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và một nhóm mới nổi theo đường lối dân túy.

Cuộc bầu cử EP diễn ra trong bối cảnh mái nhà chung EU đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, với chiến thuật khó nắm bắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự trỗi dẫy của Trung Quốc, rào cản giữa các quốc gia thành viên xoay quanh vấn đề di cư và nền kinh thế lao đao vì nợ công.

Trong khi đó, nội bộ EU cũng đang chứng kiến cuộc chiến ly hôn giữa khối này và nước Anh, vốn kéo dài ròng rã suốt 3 năm qua mà chưa có kết quả. Những tư tưởng hoài nghi châu Âu cũng đang dần hình hành trong lòng EU, với lo ngại rằng nếu số lượng các nghị sỹ có tư tưởng bài châu Âu được bầu nếu ở mức cao có thể sẽ tác động tới khả năng thống nhất quyết định tại cơ quan lập pháp châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử EP 2019 cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường khối đoàn kết tập thể trong nội bộ EU; tìm ra tiếng nói chung trong các vấn đề như thương mại, an ninh, di cư hoặc biến đổi khí hậu; chung tay giải quyết các thách thức truyền thống và phi truyền thống.

Nghị viện châu Âu (EP) là tổ chức duy nhất của EU được bầu trực tiếp bởi công dân. Sau cuộc bầu cử, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của EP là bầu một Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành EU.

Trong những năm qua, EP đã giành được quyền hạn thông qua các sửa đổi của các hiệp ước châu Âu. Ngày nay, EP đóng vai trò là nhà đồng lập pháp, chia sẻ với Hội đồng EU quyền tiếp nhận và sửa đổi các đề xuất lập pháp và quyết định ngân sách EU.

Trong lần bầu cử này, hơn 400 triệu cử tri hợp lệ trên toàn châu Âu sẽ bầu 751 thành viên EP. Kết quả bầu cử cũng sẽ xác định người thay thế Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong tương lai. Kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 26-5 (theo giờ châu Âu). 

A.Nhien (Theo Reuters)
.
.
.