Còn nhiều bất đồng giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Năm, 27/07/2017, 04:04
Giấc mơ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ không thành, nhất là khi khối này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về căng thẳng chính trị gia tăng và nhiều nước thành viên ra lệnh "cấm cửa" một số quan chức nước này.


Bằng chứng là các cuộc đàm phán cấp cao giữa quan chức EU với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 25-7 dường như không làm giảm căng thẳng giữa khối 28 quốc gia và Ankara, nhất là sau vụ bắt giữ một loạt nhà báo, nhà hoạt động xã hội và các nhân vật đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thông tin trên các phương tiện truyền thông cho hay, hơn 50.000 người, bao gồm cả các nhà báo và các nhà lập pháp đối lập đã bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau vụ đảo chính hồi tháng 7 năm ngoái. 

Các nhà phân tích cho rằng, "cuộc truy quét" này ban đầu nhằm vào những người nghi ngờ có quan hệ với nhóm đảo chính thất bại nhưng sau đó đã mở rộng ra cả các đối thủ chính trị và những người đối lập hoặc phản đối chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan. 

Chính vì thế, sau cuộc họp tại Brussel, Cao ủy phụ trách vấn đề mở rộng châu Âu Johannes Hahn đã bày tỏ mối quan ngại này với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và nhấn mạnh rằng "EU muốn thấy tiến bộ của Ankara trong vấn đề nhân quyền và dân chủ". 

Đàm phán EU-Thổ Nhĩ Kỳ còn gặp nhiều “chông gai”.  Ảnh: IAPSS

Còn Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini thì tuyên bố "Thổ Nhĩ Kỳ tuy vẫn là ứng cử viên gia nhập EU" song cũng cần phải có những động thái để chứng minh nỗ lực trong việc giải quyết các lo ngại về vấn đề nhân quyền và nhà nước pháp quyền vốn đang cản trở tiến trình đàm phán gia nhập EU. Quan điểm của bà Federica Mogherini là cả EU và Ankara cần phải có các cuộc đàm phán "thẳng thắn và xây dựng" để giải quyết những vấn đề...

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vẫn bảo vệ việc bắt giữ các nhà hoạt động, các nhà báo và lập luận rằng, những người bị bắt giữ đều liên quan đến những kẻ cực đoan và thành phần đảo chính. 

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik thì thừa nhận: "Rõ ràng chúng tôi có sự khác biệt, có bất đồng nhưng đối thoại, thảo luận sẽ vẫn được tiếp tục". Quan điểm của ông Omer Celik là các cuộc đàm phán gia nhập EU là "xương sống" trong quan hệ giữa EU và Ankara. 

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, những vấn đề như nhập cư, an ninh, chống khủng bố và những thỏa thuận khác khá là quan trọng trong quan hệ hai nước có thể sẽ bị ngưng trệ sau những bất đồng này. Đó là chưa kể động thái được cho là "đổ thêm dầu vào lửa" của chính Tổng thống Tayyip Erdogan. 

Hôm 25-7, ngay trước thềm cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu và các quan chức cấp cao của EU, ông Tayyip Erdogan đã tuyên bố rằng, "thời đại của Thổ  Nhĩ Kỳ phục tùng mọi yêu cầu của phương Tây đã chấm dứt"... 

Một số tờ báo phương Tây nhận định, tiến trình đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ  Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng đóng băng và có thể khó được phá băng vào thời điểm này vì căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã manh nha việc gia nhập EU từ 3 thập kỷ trước nhưng chỉ bắt đầu bước vào đàm phán chính thức từ năm 2005. Vậy mà đến nay, trong số 16 chương trình đàm phán, chỉ có một số chương trình đã được tạm cho là hoàn thành, đó là khoa học và nghiên cứu - một lĩnh vực không nhạy cảm và cũng không quan trọng lắm. Ngược lại, trong quá trình đàm phán, các mối quan hệ "xương sống" của Thổ Nhĩ Kỳ lại gặp nhiều trục trặc. 

Hiện Ankara vẫn đang sa lầy vào tình trạng leo thang căng thẳng chính trị với Đức sau vụ bắt giữ một nhóm nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm cả một công dân Đức và một nhà báo mang quốc tịch Đức-Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị bắt với cáo buộc làm gián điệp và trợ giúp lực lượng dân quân người Kurd. 

Chính quyền Berlin còn cảnh báo có thể dừng khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ Euro mà EU cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu. Một số quốc gia khác là thành viên EU cũng không mặn mà với sự gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thậm chí, những người này, trong đó có Áo, Hà Lan còn tuyên bố cấm nhập cảnh đối với một số quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gồm cả Phó Thủ tướng Tugrul Turkes và Bộ trưởng Kinh tế Nihat Zeybekci. 

Riêng Nghị viện châu Âu (EP) thì yêu cầu đình chỉ các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập EU nếu Ankara vẫn tiến hành sửa đổi hiến pháp sau cuộc trưng cầu dân ý gần đây theo hướng gia tăng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.

Sông Thương
.
.
.