Chuyến thăm đến Mỹ nhiều tham vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Thứ Tư, 25/04/2018, 08:45
Trong bối cảnh giữa hai nước còn nhiều bất đồng, chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Mỹ được coi là nhằm làm ấm lại mối quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ cũng như thuyết phục ông chủ Nhà Trắng về các vấn đề có liên quan đến Syria và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Trogneux ngày 23-4 (giờ Mỹ) đã đến Thủ đô Washington D.C, bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày đến Mỹ. Ông Macron là lãnh đạo đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi đầu năm 2017, theo Reuters. 

Chuyến đi này của ông Macron không chỉ đơn thuần là dịp để hai nhà lãnh đạo cải thiện mối giao tình khởi đầu với cái bắt tay gây xôn xao dư luận tại Bỉ và không mấy được lòng người dân Pháp, mà còn là cơ hội để ông Macron làm ấm lại mối quan hệ song phương Pháp-Mỹ đang gặp nhiều trắc trở. Mỹ và Pháp có mối quan hệ đồng minh đã ngót hơn hai thế kỷ, tuy nhiên, ở châu Âu, Anh vẫn được coi là đồng minh thân cận nhất của Mỹ. 

Trong bối cảnh tình đồng minh Anh-Mỹ đang có dấu hiệu sứt mẻ với những biểu hiện như Tổng thống Mỹ liên tục hủy kế hoạch công du đến Anh hay mối quan hệ cá nhân giữa ông Donald Trump với các lãnh đạo Anh, mà cụ thể là nữ Thủ tướng Theresa May, không suôn sẻ, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp đã xác định và tuyên bố, dù có thích hay không thì ông Donald Trump vẫn là Tổng thống của Mỹ, cường quốc số 1 thế giới và đồng minh quan trọng hàng đầu của nước Pháp suốt 250 năm qua. 

Việc Pháp sát cánh cùng đồng minh Mỹ tấn công quân sự Syria hôm 14-4 phần nào thấy bất đồng giữa hai bên cơ bản đã tạm được đặt sang một bên. 

Bình luận về quan hệ Pháp và Mỹ, trong bài viết với tựa đề “Tổng thống Macron-Tổng thống Trump: Một tình bạn thân thuộc” trên Le Monde có đoạn mô tả mối quan hệ gần đây như “ánh sáng xua tan màn đêm đã buông xuống điện Elysée”.

Tổng thống Mỹ-Pháp và hai Đệ nhất phu nhân tại Nhà Trắng ngày 23-4. Ảnh Reuters.

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính phủ Iran đang kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không đơn phương rút nước này ra khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Tehran và nhóm P5+1, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức hồi năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). 

Trong những tháng qua, Tổng thống Mỹ từng nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi nếu các đồng minh châu Âu không kịp thời sửa chữa những “lỗi nghiêm trọng” trong thỏa thuận này trước ngày 12-5. 

“Chuyến thăm này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay, với rất nhiều bất ổn, rắc rối và có cả những mối đe dọa”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình tại Washington. Nhận xét về thỏa thuận JCPOA, Tổng thống Pháp từng nói trên Fox News Saturday rằng các bên nên cùng bảo vệ thỏa thuận này hơn là rút khỏi nó. “Liệu thỏa thuận này có hoàn hảo và JCPOA có phải là một điều hoàn hảo đối với mối quan hệ giữa chúng ta và Iran hay không? Không. Nhưng khi nói đến vấn đề hạt nhân, liệu bạn có một phương án nào tốt hơn? Tôi thì không”, Tổng thống Pháp cho biết.

Là lãnh đạo của một nước chủ chốt trong EU, ông Macron đến thăm Mỹ, ngay trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Nhà Trắng ít ngày, với mục đích thuyết phục ông Donald Trump loại các nước EU ra khỏi danh sách đánh thuế nhập khẩu nhôm và thép, vốn là một phần trong kế hoạch nhằm giảm thâm hụt thương mại kinh niên giữa Mỹ với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-5. 

Chuyến thăm của ông Macron cũng diễn ra vào thời điểm châu Âu đang gia tăng cảnh báo về tác động tiêu cực và nghiêm trọng của lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Nga đối với nền sản xuất của 28 thành viên EU. 

Các quan chức Pháp nói Paris và các chính phủ EU đang hợp tác để thuyết phục ông Donald Trump giảm bớt cấm vận với Nga, bao gồm cả các biện pháp nhằm vào những nhà sản xuất nhôm lớn của Nga, theo Reuters.

Gần 1 năm Tổng thống Macron lên nắm quyền, có thể thấy với các chuyến thăm quan trọng gần đây đến một số nước trên thế giới mà mới đây là Trung Quốc, Đức và bây giờ là Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có một chiến lược ngoại giao mới, từng bước giúp nước Pháp chứng minh vai trò của mình trong nhiều vấn đề quốc tế, như giải quyết vấn đề Brexit và cải tổ châu Âu, chống biến đổi khí hậu, giải quyết một số điểm nóng trên thế giới như cuộc chiến tại Syria. 

Giới phân tích nhận định, chính sách ngoại giao chủ động mà nhà lãnh đạo Pháp đang gây dựng đang xoá đi hình ảnh một nước Pháp nhạt nhòa, cũ kỹ và thiếu năng động trước các vấn đề toàn cầu.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.