Chính phủ Anh bận rộn với chiến dịch vận động ở lại EU

Thứ Ba, 17/05/2016, 08:27
Những người nghèo nhất và cả tầng lớp trung lưu ở Anh có thể sẽ phải chịu tác động mạnh mẽ và khủng khiếp nhất về kinh tế nếu như Anh rời Liên minh Châu Âu (EU). Lời cảnh báo này đã được Thủ tướng Anh David Cameron trong chiến dịch vận động trước thềm cuộc trưng cầu dân ý đi hay ở lại EU.

3,4 triệu USD cho chiến dịch truyền thông

Phải đến tận ngày 23-6, cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh sẽ ở lại hay rời khỏi EU (còn gọi là “Brexit”) mới được tiến hành. Tuy nhiên, từ ngày 16-5, chính phủ Anh đã mở một chiến dịch truyền thông lớn nhất với tổng chi phí khoảng 2,4 triệu bảng (tương đương 3,4 triệu USD) với mục đích kêu gọi người dân đăng ký tham gia cuộc bỏ phiếu một cách minh bạch và rõ ràng. 

Thống kê của Ủy ban bầu cử Anh cho biết, đối tượng vận động của chiến dịch này là 28 triệu hộ gia đình trên toàn nước Anh. Để mọi người hiểu rõ hơn về cái lợi, cái hại của việc đi hay ở lại EU, Ủy ban bầu cử Anh còn cho đăng tải thông tin về cuộc trưng cầu dân ý này trên các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng xã hội. 

Chi phí cho các biển quảng cáo, poster giới thiệu và các tài liệu bỏ túi được gửi đến từng nhà cũng không hề rẻ. Hãng AP cho biết, nguyên do của việc này là cho tới nay, tức là còn khoảng 1,5 tháng nữa mới tới cuộc trưng cầu dân ý song có đến 20% dân số nước này tỏ vẻ thờ ơ. Điều này có nghĩa là 7,5 triệu người dân Anh không đăng ký bỏ phiếu và với một cuộc trưng cầu dân ý thì con số thiếu hụt 1/5 tổng số cử tri sẽ báo hiệu những kết quả không tốt.

Đáng chú ý là song song với việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bỏ phiếu, Ủy ban bầu cử Anh cũng cho phép các cá nhân, đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội được phép tự tổ chức vận động người ủng hộ theo quan điểm của mình. Có lẽ vì thế mà nội các Anh vốn luôn ủng hộ việc ở lại EU đã nhanh chóng tổ chức các buổi nói chuyện trước công chúng để thuyết phục người dân. 

Chẳng hạn, Thủ tướng Anh David Cameron đã có bài phát biểu dẫn lại nhiều giai đoạn lịch sử để khẳng định rằng, vận mệnh của nước Anh gắn bó chặt chẽ với châu Âu và bỏ phiếu ở lại EU là sự lựa chọn yêu nước. 

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng bổ sung vào những tranh luận này bằng các báo cáo cụ thể về việc chính quyền London sẽ thiệt hại thế nào và cuộc sống của người dân Anh sẽ ảnh hưởng ra sao nếu Anh rời bỏ EU. 

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI6) John Sawers  và cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Anh (MI5) Jonathan Evans cũng cho rằng “Brexit” sẽ làm suy yếu mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo giữa Anh với các nước láng giềng, khiến London dễ tổn thương hơn trước các cuộc tấn công tình báo và gây ra bất ổn trên toàn châu lục. 

Nhiều nghị sĩ, nghệ sĩ và những người nổi tiếng đồng quan điểm với Thủ tướng Anh và Bộ trưởng Tài chính cũng hăng hái tham gia các cuộc nói chuyện kiểu này. Trong khi đó, phe vận động rời khỏi EU cũng không chịu nhường bước. 

Đứng đầu phe này là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove đã cho rằng, Anh chẳng phải chịu thua thiệt gì khi thương lượng lại các thỏa thuận thương mại với EU. Cựu Thị trưởng London Boris Johnson, nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của ông David Cameron lại khẳng định, kinh tế Anh sẽ "khởi sắc và thịnh vượng chưa từng có" một khi nước này rời khỏi EU và nắm toàn quyền quyết định đối với nền kinh tế…

Thủ tướng Anh David Cameron đang nỗ lực vận động người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc Anh ở lại EU. Ảnh: PA.

Và sự lựa chọn của một thế hệ

Rõ ràng, cuộc trưng cầu dân ý lần này cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chính sách đối nội, đối ngoại cũng như nền kinh tế Anh sau này. Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi đây là “sự lựa chọn của cả một thế hệ”. 

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker thì bày tỏ sự tin tưởng rằng, người dân Anh sẽ đưa ra quyết định “hợp lý” và rằng, tất cả các nước EU đều mong muốn Anh ở lại “mái nhà chung”. 

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã đưa ra một báo cáo cho thấy, “Brexit” có thể dẫn tới tình trạng cắt giảm việc làm, đẩy lạm phát gia tăng, đồng bảng Anh rớt giá mạnh. 

Thống đốc BoE, Mark Carney lưu ý rằng những bất ổn liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân có thể gây ảnh hưởng lan truyền sang các thị trường quốc tế. 

BoE đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 từ mức 2,2% xuống 2% và năm 2017 và 2018 xuống còn 2,3%, thấp hơn mức dự báo lần lượt 2,4% và 2,5% đưa ra trước đó. Đồng thời, BoE còn dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên 0,9% trong tháng 9-2016, so với mức 0,3% trong tháng 4 nếu người dân Anh bỏ phiếu ở lại EU. 

Còn theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia (NIESR), trong dài hạn, việc rời khỏi EU sẽ khiến cho GDP giảm đi 1,5-3,7% vào năm 2030, trong đó mức độ giảm phụ thuộc vào quan hệ khi đó giữa Anh và EU cũng như giữa Anh và các nước khác trên thế giới. Được biết, Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) năm 1973. 

Trong cuộc trưng cầu ý dân 2 năm sau đó, hơn 67% cử tri Anh đã ủng hộ tư cách thành viên chính thức của nước này trong EEC. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Anh và EU nhiều lần căng thẳng khi Anh quyết định không tham gia vào các dự án chủ chốt của EU, trong đó có Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khối miễn thị thực Schengen.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.