Châu Âu nới lỏng hạn chế, hàng triệu người quay trở lại làm việc
- Châu Âu bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường
- Hơn 10.000 người nhiễm mỗi ngày, Nga sắp vượt châu Âu về số ca COVID-19
- Châu Âu trong cơn sóng dữ
Nhưng nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai đang nổi lên vào ngày 10/5 khi tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), sau khi nới lỏng giãn cách xã hội đã chứng kiến một ổ dịch mới tại khu Itaewon với hàng chục ca lây nhiễm được ghi nhận trong vài ngày trở lại đây.
Hôm 10/5, Uỷ ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã báo cáo thêm 14 ca nhiễm COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 28/4. Trong đó đáng chú ý có một ca nhiễm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch bùng phát COVID-19 ra toàn cầu. Đây là ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng được ghi nhận ở thành phố này kể từ ngày 3/4 trong bối cảnh các lệnh phong toả ở đây đã dần được dỡ bỏ.
Một số nước ở châu Âu lần lượt chuẩn bị nới lỏng các hạn chế trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có dấu hiệu thuyên giảm. (Ảnh: Getty) |
Trong tháng 4, khoảng 22 triệu người Mỹ mất việc làm do tác động của COVID-19. Đây là mức giảm chưa từng có, “phủ bóng” lên thành tựu tăng trưởng kinh tế rực rỡ của Mỹ trước lúc xảy ra đại dịch. Chính quyền các bang đang cho mở cửa trở lại các hoạt động, nhưng hầu hết đều lựa chọn cách tiếp cận dần dần.
Tại Pháp, các tiệm làm tóc, cửa hàng quần áo, cửa hàng hoa và hiệu sách sẽ mở cửa trở lại vào ngày 11/5, nhưng các quán bar, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim vẫn được yêu cầu tạm ngưng hoạt động.
Một nửa trong số 47 triệu người Tây Ban Nha sẽ có thể gặp gỡ gia đình hoặc bạn bè trong các cuộc tụ tập đông người; các quán bar và nhà hàng ngoài trời có thể mở cửa trở lại, ngoại trừ tại các khu vực trung tâm ở Madrid và Barcelona vẫn chưa được cho phép hoạt động.
Quyết định nới lỏng phong toả được lãnh đạo các nước châu Âu đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ tử vong vì COVID-19 đang có xu hướng giảm: Pháp ngày 10/5 ghi nhận 80 ca tử vong mới, con số thấp nhất kể từ đầu tháng 4, trong khi đó, tỷ lệ tử vong hàng ngày tại Tây Ban Nha đã giảm xuống dưới 200...
Tại một số các quốc gia châu Âu khác như Bỉ, Đức và Hy Lạp, các biện pháp nới lỏng hạn chế cũng bắt đầu được áp dụng từ ngày 11/5. Tuy nhiên, nhận thức được tình hình vẫn còn phức tạp, một vài nơi tại Đức đã buộc phải dừng việc nới lỏng các hạn chế vào hôm 9/5 khi ghi nhận các ca nhiễm mới tại một nhà máy chế biến thịt.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10/5 cho biết đang xem xét việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người nhập cảnh vào Anh, kể cả công dân Anh hồi hương.
Trong khi một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh chuẩn bị nới lỏng các hạn chế, thì tại các điểm nóng trên thế giới khác như Nga, Brazil, Mỹ, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày một phức tạp.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Nga đã vượt qua 200.000 ca và dự kiến sẽ cao nhất ở châu Âu trong vài ngày tới, nhưng số ca tử vong tại đây tương đối thấp với chỉ hơn 1.900 ca. Giải thích về điều này, các quan chức Nga cho biết nó cho thấy hiệu quả từ việc xét nghiệm trên phạm vi lớn.
Tính đến sáng ngày 10/5, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19 với 25.218 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Trong đó, 80.032 người đã tử vong, 237.193 người bình phục.