Nguy cơ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Myanmar

Thứ Ba, 16/03/2021, 15:20
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc ngày 16/3 cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế "rất nghiêm trọng" có thể xảy ra ở Myanmar trong bối cảnh tình hình chính trị tại quốc gia này vẫn tiếp tục bất ổn.


Theo WFP, giá bán lẻ dầu cọ đã tăng tới 20% kể từ đầu tháng 2 tại thành phố Yangon, trong khi giá gạo ở Yangon và Mandalay đã tăng 4% chỉ trong vòng 3 tuần qua. Tại một số thị trấn ở bang Kachin, chẳng hạn như Bhamo và Putao, giá gạo đã tăng tới 35%.

Đáng chú ý, kể từ sau ngày 1/2 - ngày quân đội Myanmar bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và tuyên bố tạm nắm quyền, chi phí nhiên liệu đã tăng 15% trên toàn quốc, trong khi ở miền bắc Rakhine, giá xăng đã tăng 33%.

Khủng hoảng chính trị có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Myanmar. Ảnh: TG

WFP nhận định, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao là hệ quả của lĩnh vực ngân hàng tê liệt, việc chuyển tiền bị chậm lại và sự giới hạn ngày càng mở rộng của khả năng cung cấp tiền mặt.

Ônng Stephen Anderson, đại diện WFP tại Myanmar cho biết: "Nếu tình hình kéo dài, tôi nghĩ, theo hướng ngày càng căng thẳng, khía cạnh kinh tế của cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên rất nghiêm trọng".

"Nhiều người vẫn đang quay cuồng bởi tác động của COVID-19... Nếu xu hướng giá này tiếp tục sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng chu cấp thức ăn trên bàn ăn của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất", đại diện WFP nhận định.

Theo Reuters, WFP hiện đang hỗ trợ hơn 360.000 người ở Myanmar, hầu hết trong số họ phải di dời do xung đột trong thập kỷ qua.

WFP đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, yêu cầu ý chí của người dân Myanmar được thể hiện trong cuộc bầu cử vào tháng 11 phải được tôn trọng. "Tại WFP, chúng tôi hiểu rõ cách nạn đói có thể nhanh chóng xảy ra khi hòa bình và đối thoại bị gạt sang một bên", ông Anderson cảnh báo.

Những cảnh báo của WFP được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự tại Myanmar vẫn tiếp tục lan rộng, với các cuộc đình công và phong trào bất tuân dân sự được đẩy mạnh. Một nhóm giám sát nhân quyền cho biết tổng cộng 183 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. 

An Nhiên
.
.
.