Cảnh báo ba nguy cơ thế giới phải đối diện vì COVID-19

Thứ Tư, 22/04/2020, 18:04
Chỉ trong 24 giờ đồng hồ qua, có tới ba lời cảnh báo được đưa ra về COVID-19. Không đơn thuần chỉ là một cơn bão càn quét khắp các châu lục, đại dịch chết người này thậm chí đặt thế giới đứng trước nguy cơ thảm họa.

Nạn đói hoành hành

Ông David Beasley, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 22/4 cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với một nạn đói trên diện rộng vì COVID-19, đặt ra yêu cầu phải hành động ngay lập tức trước khi hàng trăm triệu người rơi vào cảnh chết đói. 

Ông nhấn mạnh có khoảng 30 quốc gia đang phát triển có thể đối diện nạn đói, trong đó có 10 quốc gia với hơn 1 triệu người đang trên bờ vực suy dinh dưỡng. “Chúng tôi không nói về những người ôm cái bụng đói đi ngủ, mà chúng tôi nói về tình trạng cùng cực, nguy cấp, về những người đang đứng bên bờ vực chết đói”, ông nói. 

Ít nhất 265 triệu người đang bị đẩy đến bờ vực của nạn đói do COVID-19 gây ra. Ảnh: The Guardian

“Đại dịch COVID-19, vốn không ai có thể lường trước, đã đưa chúng ta đến giới hạn chưa từng có. Và giờ mới là một cơn bão thực sự. Chúng ta đang đối diện sự lan rộng của một nạn đói có quy mô được đề cập trong Kinh thánh”, ông nhấn mạnh.

Theo một báo cáo được cung cấp bởi Liên Hợp Quốc và WFP, ít nhất 265 triệu người đang bị đẩy đến bờ vực của nạn đói, gấp đôi con số được thống kê trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Ông Beasley cũng cho rằng, châu Phi và Trung Đông sẽ là 2 khu vực đối diện nạn dịch đói cao nhất. 

Trên thực tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho biết, hàng triệu trẻ em Trung Đông sẽ trở nên nghèo khó hơn khi những người chăm sóc các em bị mất việc làm vì các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên toàn khu vực. 

Suy thoái kéo dài

Nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế. Ảnh: Sky News

Được xem là minh chứng rõ nhất cho những biến động kinh tế chưa từng códo đại dịch COVID-19, giá dầu thô tại Mỹ ngày 20/4 (giờ địa phương) đã lần đầu tiên trong lịch sử rớt xuống mức -38USD một thùng.

Khi thị trường tài chính đang “loạng choạng” trước những nhát đòn mới của COVID-19 nhằm vào ngành dầu khí toàn cầu, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi YPO, một mạng lưới lãnh đạo doanh nghiệp, đã tiết lộ thực tế rằng nhiều công ty sẽ không sống sót sau cuộc tấn công dữ dội của dịch bệnh. 

Cuộc  khảo sát 3.534 CEO đến từ 109 quốc gia cho thấy có tới 60% CEO  đang chuẩn bị cho sự phục hồi hình chữ U, với việc nền kinh tế khi suy thoái chạm đáy sẽ ở lại đáy một khoảng thời gian, sau đó mới bắt đầu khôi phục trở lại với đỉnh như trước suy thoái.

Glenn Keys, CEO của công ty Aspen Medical có trụ sở tại Singapore và là thành viên YPO ngày 22/4 cho biết: “Chúng ta chưa từng thấy một cuộc khủng hoảng nào như thế này trong hơn 100 năm qua”. 

Ông Frederic Neumann, đồng Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC Holdings Plc ở Hong Kong (Trung Quốc) bình luận: “Giá dầu thô giảm xuống mức âm có thể nhất thời không phản ánh đúng thị trường, song đối với kinh tế thế giới, đây là lời nhắc nhở rằng hoạt động thương mại đang đình trệ và sẽ mất một khoảng thời gian để khôi phục”.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm lần hai

Chuyên gia cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại tại Mỹ vào mùa đông. Ảnh: AA

Trong bối cảnh trên toàn thế giới đã ghi nhận tới hơn 177.000 trường hợp tử vong vì COVID-19, trong số hơn 2,5 triệu người lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) Robert Redfield ngày 21/4 (giờ địa phương) dự đoán, cường quốc hàng đầu thế giới có thể đối mặt với đợt dịch COVID-19 thứ hai vào mùa Đông tới. 

Tờ Washington Post dẫn lời ông Robert Redfield cho biết: “Có khả năng đợt tấn công của virus SARS-CoV-2 ở Mỹ mùa đông tới sẽ gây khó khăn hơn nhiều so với đợt bùng phát chúng ta vừa trải qua”. Theo ông, tình hình có thể trở nên tệ hơn do dịch bệnh COVID-19 có thể trùng với thời điểm bắt đầu mùa cúm. 

Lời dự đoán của ông Redfield đang gián tiếp gây áp lực lên những nỗ lực phòng dịch và nghiên cứu vaccine của không chỉ nước Mỹ, mà của toàn thế giới. Thống kế cho thấy, ít nhất 4,5 tỷ người tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức khoảng 58% dân số thế giới hiện phải cách ly hoặc buộc phải hạn chế đi lại. 

Trong bối cảnh các nước nôn nóng mở cửa trở lại, WHO hôm 21/4 cũng cảnh báo bất kỳ quyết định dỡ bỏ tình trạng phong tỏa nào cần phải được thực hiện chậm rãi , tránh làn sóng tái bùng phát dịch bệnh. 

Lam Ninh
.
.
.