Căng thẳng Trung - Ấn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Chủ Nhật, 06/08/2017, 10:09
Căng thẳng kéo dài hơn một tháng qua giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới hai nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả Bắc Kinh và New Delhi tới nay vẫn đổ lỗi cho nhau và liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khiến tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, gây bất an cho nhiều nước láng giềng trong khu vực.

Trong tuyên bố mới nhất tối 4-8 (giờ địa phương), Bắc Kinh nhấn mạnh, nước này đã thể hiện thiện chí tối đa trong cuộc đối đầu quân sự kéo dài với Ấn Độ tại khu vực Sikkim và tìm cách liên lạc với New Delhi để giải quyết vụ việc. Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã cho thấy sự kiềm chế cao độ vì quan hệ song phương nói chung cũng như hòa bình và ổn định khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc cảnh báo rằng, thiện chí cũng có nguyên tắc và sự kiềm chế đã đến đỉnh điểm. Trung Quốc khẳng định các lực lượng vũ trang nước này sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích an ninh của mình, đồng thời kêu gọi Ấn Độ nhanh chóng giải quyết tình hình một cách thỏa đáng để khôi phục hòa bình và yên tĩnh tại khu vực biên giới.

Quan điểm này cũng đã được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra trước đó, khi bộ này nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng: “Thiện chí không phải là không có nguyên tắc, kiềm chế không phải là không có điểm dừng. Ấn Độ cần từ bỏ mọi ảo tưởng về việc làm thay đổi hiện trạng”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hối thúc Ấn Độ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản ảnh hưởng tới quan hệ hai nước và ngay lập tức rút binh sỹ đã tràn qua biên giới về phía đường biên giới của Ấn Độ mà không có sự ràng buộc nào và giải quyết vụ việc hiện nay bằng những hành động cụ thể.

Về phía Ấn Độ, Ngoại trưởng Sushma Swaraj cho rằng, hòa bình và yên tĩnh dọc đường biên giới Trung-Ấn là điều kiện tiên quyết quan trọng cho sự phát triển suôn sẻ mối quan hệ song phương. Trước đó, Ngoại trưởng Swaraj cũng đã nói rõ lập trường của New Delhi về cuộc đối đầu kéo dài hơn một tháng qua ở khu vực Dokalam khi tuyên bố cả hai bên trước hết là phải rút quân để có bất kỳ cuộc đàm phán nào, đồng thời nghiêng về một giải pháp hòa bình.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại Đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) phân chia lãnh thổ 2 nước.

Tuy nhiên, hôm 2-8 vừa qua, các quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ tuyên bố nước này không giảm quân tại khu vực Doklam, qua đó bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng số quân nhân của Ấn Độ tại ngã ba biên giới này đã giảm xuống, đồng thời khẳng định đó là “hiện trạng” ở Dokalam trong 6 tuần qua.

Giới chuyên gia nhận định rằng, Trung Quốc đang quá “lên gân” trong căng thẳng biên giới với Ấn Độ, Bắc Kinh nên chọn cách hành xử khéo léo với New Delhi bởi điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch kinh tế của Trung Quốc. Cố vấn của Hiệp hội Trung Quốc về Nghiên cứu Nam Á Sun Shihai chỉ ra rằng, Ấn Độ có vị trí địa lý chiến lược nằm ở trung tâm đường dây năng lượng và sáng kiến “Một vành đai - một con đường” nên bất kỳ động thái leo thang quân sự nào từ phía Trung Quốc đều có thể làm hỏng kế hoạch thương mại toàn cầu của họ.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Rajeev Chaturvedy, tới từ Học viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng, cách tiếp cận của Trung Quốc hiện nay đang làm phức tạp thêm vấn đề và khả năng cao là Ấn Độ sẽ rút lại lời từ chối tham dự vào kế hoạch thương mại lớn của Trung Quốc, dẫn đến việc một số dự án đường sắt cao tốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc sẽ phải hoãn lại hoặc bị loại bỏ.

Thực tế cho thấy, bấy lâu nay, New Delhi đã thẳng thừng từ chối hợp tác chiến lược với Bắc Kinh trong dự án “Con đường tơ lụa mới” và việc gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới hai nước sẽ không làm cho tình hình này cải thiện. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Antony Wong Dong của Macao (Trung Quốc) cảnh báo rằng, những động thái chính trị cứng rắn từ phía Bắc Kinh đang đẩy Ấn Độ đi xa hơn và nhiều khả năng sẽ làm cho quốc gia Nam Á trở thành một người đối đầu lớn của Trung Quốc.

Còn Richard Javad Heydarian, nhà khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila (Philippines), thì cho rằng, căng thẳng Trung-Ấn hiện nay sẽ tạo ra những “tác động lan tỏa” kéo theo sự hoài nghi của các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước cũng vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Căng thẳng Trung - Ấn nổ ra từ giữa tháng 6-2017 liên quan đến khu vực cao nguyên Doklam, khu vực khai thác khoáng sản nằm trên ngã ba giao cắt các đường biên giới của Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, khi Bắc Kinh xây dựng một đường cao tốc xuyên qua cao nguyên, khiến Bhutan kịch liệt phản đối.

Một vài ngày sau, quân đội Ấn Độ, quốc gia có quan hệ quân sự - kinh tế chặt chẽ với Bhutan, đã vượt qua biên giới quốc gia và sau một cuộc giao tranh ngắn đã buộc quân đội Trung Quốc phải rời khỏi khu vực Doklam.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.