Các lãnh đạo G7 đồng thuận trong nhiều vấn đề nổi cộm
- Hội nghị G7 quan tâm ổn định và thịnh vượng châu Á
- Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7
- Hội nghị G7 ra tuyên bố quan ngại hành vi của Trung Quốc:Ai gây sóng lớn?
Về vấn đề an ninh biển, Tuyên bố chung nêu rõ các nước G7 đã nhất trí sẽ thực hiện các biện pháp liên quan tới trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của Luật quốc tế được phản ánh cụ thể trong Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng tự do hàng hải, tự do không phận, giải quyết các phân tranh bằng biện pháp hòa bình.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm ở Công viên Hòa bình. |
Các nước G7 cũng tái xác nhận rằng, các quốc gia phải thực hiện theo luật pháp quốc tế, kiềm chế hành động đơn phương gây căng thẳng, không uy hiếp, sử dụng vũ lực để thực hiện mục đích, phải giải quyết các vấn đề phân tranh bằng biện pháp hòa bình thông qua các hình thức pháp lý bao gồm cả tòa án. Lãnh đạo các nước G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở châu Á. Tuyên bố của G7 nêu rõ “sự quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc xử lý và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhắc lại rằng, việc giải quyết các tranh chấp nên diễn ra một cách hòa bình, tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng, những tuyên bố chủ quyền nên được đưa ra căn cứ vào luật pháp quốc tế và các nước nên kiềm chế “các hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng” đồng thời “tránh sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm tìm cách đạt được những tuyến bố về chủ quyền”.
Theo đó, lãnh đạo các nước G7 đã thống nhất rằng, G7 cần thiết phải giữ vai trò chỉ đạo trong việc đối phó với những hành vi xâm hại giá trị phổ biến và chi phối luật pháp quốc tế.
Về vấn đề kinh tế - tài chính, Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Tăng trưởng toàn cầu vẫn khiêm tốn và không đúng với tiềm năng, trong khi các nguy cơ tăng trưởng yếu vẫn tồn tại. Vì vậy, tăng trưởng toàn cầu là ưu tiên khẩn cấp”. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tránh phá giá đồng nội tệ để tạo sự cạnh tranh, trong khi cảnh báo không áp dụng các biện pháp tỷ giá một cách bừa bãi.
Liên quan tới an ninh mạng, cũng trong Tuyên bố chung này, các nhà lãnh đạo G7 cam kết áp dụng những biện pháp mạnh mẽ và quyết đoán chống lại hành động ác ý lợi dụng không gian mạng của các thực thể chính phủ lẫn phi chính phủ, trong đó có các nhóm khủng bố, đồng thời khẳng định sẽ lập nhóm công tác mới để tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác thiết thực nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định không gian mạng.
Lãnh đạo các nước G7 cũng đã đưa ra các biện pháp nhằm chống khủng bố, các biện pháp đảm bảo an ninh cho toàn thế giới, phân tích tình hình một số nước, khu vực trên thế giới. Về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, các nhà lãnh đạo G7 đã lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tiến hành các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Tuyên bố chung Ise Shima yêu cầu CHDCND Triều Tiên không tiến hành thêm những hành động khiêu khích hoặc gây bất ổn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của LHQ liên quan tới CHDCND Triều Tiên.
Tuyên bố chung Ise Shima cũng nêu rõ ba vấn đề lớn là đầu tư hạ tầng chất lượng cao, y tế và phụ nữ nhằm thúc đẩy tăng trưởng của các nước mới nổi, các nước đang phát triển của khu vực.
Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hiroshima Ngày 27-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới TP Hiroshima của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống đương nhiệm Mỹ đi thăm thành phố phải hứng chịu quả bom nguyên tử của quân đội Mỹ trong Thế chiến II. Tổng thống Obama đã cùng Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe tới đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử và vinh danh tất cả những người đã thiệt mạng trong Thế chiến II. Phát biểu buổi lễ tổ chức tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Tổng thống Obama tái khẳng định cam kết theo đuổi một thế giới không vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi các nước có kho vũ khí hạt nhân phải dũng cảm thoát khỏi nỗi sợ hãi để theo đuổi một thế giới phi hạt nhân. Ông cũng khẳng định thế giới có trách nhiệm chung ngăn chặn tái diễn những gì đã từng xảy ra ở Hiroshima 70 năm trước, đồng thời cho rằng ký ức ngày 6-8-1945 “không bao giờ phai nhạt” - ám chỉ ngày Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố này. Ông nói: “Chúng tôi đứng đây, giữa thành phố này và buộc chính mình nhớ lại khoảnh khắc khi quả bom rơi. Chúng tôi buộc mình phải cảm nhận được nỗi sợ hãi của những em nhỏ trước những gì họ nhìn thấy, chúng tôi nghe thấy những tiếng khóc thầm”. Theo Tổng thống Obama, tiến bộ kỹ thuật mà không có tiến bộ về nhận thức có thể hủy hoại con người. Ông cũng cho rằng cuộc cách mạng khoa học nên song hành cùng cuộc cách mạng về đạo đức. Minh Nhật (theo Reuters) |