Brexit gian nan tìm lối thoát
- Thủ tướng Anh sử dụng “quân bài” cuối cùng để cứu Brexit
- Brexit: Hòn đá tảng chặn đứng nước Anh
- Brexit và sự thất vọng
Cho đến nay, Quốc hội đã bỏ phiếu gia hạn thời hạn 29-3, hạn chót mà Anh phải rời EU như dự kiến. Kế hoạch của Thủ tướng Theresa May là sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác về thỏa thuận của mình và lôi kéo những người ủng hộ Brexit bằng cách đe dọa rằng việc gia hạn ngày rời EU quá lâu sẽ dẫn đến nguy cơ hủy bỏ Brexit hoàn toàn.
Đồng thời, bà cũng nói Brexit không có thỏa thuận vẫn có thể xảy ra, bởi vì điều đó phụ thuộc vào EU có đồng ý gia hạn cho Anh hay không, trong khi EU đang ngày càng mất kiên nhẫn.
Những chiến thuật bà May đang sử dụng được gọi là "chiến thuật tuyệt vọng", tức làm các nghị sĩ và cử tri cảm thấy họ sẽ phải lãnh hậu quả thất vọng thế nào nếu không bỏ phiếu cho thỏa thuận của bà. Tuy nhiên, tờ Economist của Anh nói các nghị sĩ tin rằng họ vẫn có những lựa chọn tốt hơn ngoài những thứ bà May dọn sẵn.
Và ngay cả khi "chiến thuật tuyệt vọng" của bà May thành công, nó cũng khiến nước Anh mất đi sự ổn định, sẽ ảnh hưởng đến sự đồng thuận cần thiết vốn có vai trò là nền tảng cho hàng loạt cuộc bỏ phiếu về sau để ban hành Brexit và cho các cuộc đàm phán thậm chí khó khăn hơn về mối quan hệ tương lai với EU.
Vậy đâu là những "lựa chọn tốt"? Theo Economist, hiện nay ngày càng có nhiều đảng viên Bảo thủ (đảng của bà May) tin rằng một nhà lãnh đạo mới với nhiệm vụ mới có thể phá vỡ tình trạng bế tắc. Tuy nhiên, có nguy cơ cao là các thành viên của đảng Bảo thủ sẽ cài đặt một người thay thế đưa đất nước theo hướng Brexit cực kỳ "cứng". Hơn nữa, việc thay thế bà May sẽ có tác dụng rất ít trong việc giải quyết thách thức về cách làm thế nào để đạt được một thỏa thuận tốt. Các đảng phái hiện đang chia rẽ về cơ bản.
Những lời kêu gọi cho một cuộc tổng bầu cử cũng không phải là ý tưởng hay. Các đảng phái đang chia rẽ. Việc tiến hành một cuộc tổng bầu cử thứ tư trong vòng vài năm có thể cũng chỉ đưa xứ sở sương mù trở về tình trạng như lúc khởi đầu. Các nghị sĩ Bảo thủ có thể lại rơi vào ngõ cụt nếu họ được bầu trở lại theo tuyên ngôn hứa sẽ ban hành được thỏa thuận. Nhưng liệu đảng Bảo thủ có tham gia một cuộc bầu cử dựa trên kế hoạch của bà May, người đã 2 lần bị các nghị sĩ đánh bại?
Vì vậy, Economist cho rằng để phá vỡ bế tắc, bà May cần làm 2 việc. Đầu tiên là tham khảo ý kiến của Quốc hội, bà phải nắm được hình thức nào của Brexit có thể được đa số nghị sĩ ủng hộ.
Thứ hai là kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để đưa ra lựa chọn hợp pháp. Mặc dù có sự bế tắc, những phác thảo của một thỏa hiệp Quốc hội có thể nhìn thấy được.
Đảng Lao động muốn Anh vẫn là thành viên thường trực của Liên minh Hải quan EU, điều đó gần với EU hơn một chút so với thỏa thuận của bà May. Ngoài ra, các nghị sĩ có thể ủng hộ Brexit theo "mô hình Na Uy" - khi đó Anh sẽ ở ngoài Liên minh châu Âu nhưng vẫn nằm trong thị trường đơn lẻ EU.
Chỉ khi không thể thiết lập sự đồng thuận, bà May mới nên quay lại kế hoạch bị chỉ trích nhiều của mình.
Bước thứ hai là một cuộc trưng cầu dân ý xác nhận sự đồng thuận. Brexit yêu cầu Anh phải đánh đổi tính độc lập của mình với việc duy trì mối quan hệ có lợi với EU. Bất kỳ kế hoạch Brexit mới nào các nghị sĩ Quốc hội đưa ra chắc chắn sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp khiến nhiều cử tri thất vọng.
Bà May và các nhà bình luận khác cho rằng việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ là phi dân chủ, nhưng chiến dịch trưng cầu dân ý ban đầu hoàn toàn thất bại trong việc giúp cử tri hiểu được sự phức tạp của Brexit. Vì vậy, để công bằng cần tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.