Biển Đông sẽ là "điểm nóng" của Hội nghị Cấp cao ASEAN và Đông Á

Thứ Tư, 30/10/2019, 13:36
The Economic Times nhận định, những diễn biến và căng thẳng trên Biển Đông sẽ là nội dung nổi bật trong chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14 mà Thái Lan đăng cai tổ chức diễn ra vào đầu tháng 11 tới.


Tình hình Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động hung hăng tại bãi Tư Chính - rạn san hô giàu tài nguyên ở cực tây của quần đảo Trường Sa - thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chắc chắn sẽ là chủ đề được chú ý tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra tại Bangkok vào đầu tháng 11.

The Economic Times cũng dự đoán, nước chủ nhà Thái Lan và các thành viên ASEAN cũng sẽ đưa nội dung này vào trong tuyên bố được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 14 diễn ra từ ngày 2 đến 4-11 tới.

Thái Lan là nước Chủ tịch ASEAN 2019. (Nguồn: thaipbsworld)

Theo đó, tình hình tại Biển Đông đã chứng kiến căng thẳng gia tăng kể từ tháng 7 vừa qua. Đặc biệt là việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từng cho biết: "Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực".

The Economic Times cũng nhận định, những diễn biến mới nhất về tranh chấp trên bãi Tư Chính ở Biển Đông báo hiệu việc Bắc Kinh không sẵn lòng tuân thủ UNCLOS, ráo riết tiến hành quân sự Biển Đông, trong khi tiếp tục đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò 9 đoạn" để đòi chủ quyền vô lý.

Từ đó, The Economic Times khẳng định: "Ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng các nhà lãnh đạo tại EAS có thể nêu ra những vấn đề này tại Hội nghị Cấp cao, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Được biết, một số lãnh đạo tại EAS cũng có thể nêu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tài sản năng lượng của họ trong khu vực".

Trong bối cảnh vấn đề Biển Đông nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo của các quốc gia EAS cũng có thể sẽ nêu cao tầm quan trọng của trật tự dựa trên các quy tắc, luật pháp và sự cần thiết và giải quyết tranh chấp hòa bình.

The Economic Times bày tỏ kỳ vọng, các cường quốc trong khu vực và trên thế giới cần nỗ lực lên tiếng bày tỏ quan ngại về những hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như tại bãi Tư Chính, kêu gọi Trung Quốc và ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thành một công cụ hiệu quả nhằm đề phòng xung đột trong khu vực.

An Nhiên
.
.
.