Belarus tính chuyện bỏ hàng loạt "công nghệ phương Tây"

Thứ Hai, 14/06/2021, 15:21
The Guardian ngày 14/6 dẫn lời của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko nêu rõ, nước này sẵn sàng thay thế các công nghệ của Mỹ và châu Âu bằng các sản phẩm của Nga và châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc. 


Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Belarus và Mỹ cũng như các nước châu Âu ngày càng căng thẳng, Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko khẳng định rằng Minsk sẽ dần loại bỏ hàng hoá và công nghệ đến từ phương Tây. 

Phát biểu trên Đài truyền hình Belarus 1, ông Golovchenko nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ dần loại bỏ hàng hoá và công nghệ phương Tây. Belarus sẵn sàng chuyển hướng sang những nền công nghệ khác. Công nghệ của Nga hay châu Á đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong vài thập kỷ qua. Đặc biệt, theo tính toán sơ bộ, chỉ riêng Trung Quốc cũng đủ khả năng đảm bảo thay thế 90% công nghệ của châu Âu và Mỹ". 

Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko. Ảnh: Daily News. 

Tuyên bố trên được đưa ra như một động thái đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Belarus, liên quan đến vụ Minsk buộc hạ cánh một máy bay dân dụng và bắt giữ nhân vật đối lập Roman Protasevich hồi tháng trước. 

Theo The Guardian, ngoại trưởng các nước EU sẽ sớm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Belarus nhắm vào lĩnh vực tài chính và xuất khẩu kali, vốn là trụ cột của nền kinh tế và là nguồn thu thuế, ngoại tệ chính của Misk. Washington cũng đang lên kế hoạch áp lệnh trừng phạt mới.

Giới chuyên gia đánh giá, ngoài Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang đẩy Belarus xích lại gần hơn với Trung Quốc. Phó giáo sư Zhang Xin thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông cho rằng, Minsk và Bắc Kính có tiềm năng tăng cường hợp tác về công nghiệp quân sự, 5G, phân bón hoá học và năng lượng. 

Trước đó, trong lĩnh vực quân sự, hai bên có nền tảng hợp tác chặt chẽ theo dạng công nghệ đổi lấy công nghệ, thay vì một bên dựa vào bên còn lại. Cụ thể, Minsk trước đó đã chuyển nhượng công nghệ chế tạo xe vận tải hạng nặng MAZ-543 cho Bắc Kinh. 

Đổi lại, Bắc Kinh chuyển giao hệ thống tên lửa A200, vốn có khả năng giúp Minsk phát triển Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần (MLRS) Polonez, với tầm bắn lên đến 300 km.

Được biết, năm 2019, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Belarus cao nhất trong số các nước Đông Âu. Hai bên còn có khu công nghiệp chung Great Stone thành lập năm 2014. Đây là khu hợp tác kinh tế và thương mại nước ngoài lớn nhất mà Bắc Kinh phát triển và đầu tư. Trong 5 năm qua, hơn 250 triệu USD được đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu công nghiệp này.

Linh Đan
.
.
.