Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cạnh tranh quyết liệt trước giờ G

Thứ Ba, 08/11/2016, 08:25
Chỉ còn vài giờ nữa nước Mỹ sẽ bước qua một thời khắc quan trọng, hứa hẹn mở ra một chương mới.

Giới chuyên gia đánh giá, đến thời điểm hiện tại, cán cân vẫn tạm nghiêng về ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trước đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể khẳng định được vị chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng sẽ là ai: Một nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ hoặc ông chủ Nhà Trắng đầu tiên là một tỷ phú.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ và tỷ phú Trump - được đánh giá là hai mảng màu đối lập về những quan điểm và chính sách đối nội, đối ngoại - đã trải qua cuộc đua “song mã” được đánh giá là kịch tính nhất trong lịch sử nền chính trị Mỹ với nhiều vụ bê bối cá nhân.

Chính sự khác biệt này đã khiến chiến dịch tranh cử năm nay diễn ra gay cấn và khó dự đoán. Càng gần đến ngày bầu cử, khoảng cách tỷ lệ dành cho hai ứng cử viên càng được thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc là cả bà Clinton và ông Trump đều đang có cơ hội để giành chiến thắng. Tuy nhiên, hiện bà Clinton vẫn đang dẫn trước ông Trump với khoảng cách từ 1 – 5% số phiếu ủng hộ.

Cán cân hiện đang nghiêng về phía bà Clinton (phải) so với đối thủ Trump. Ảnh: Reuters.

Kết quả thăm dò chung của NBC News/The Wall Street Journal ngày 6-11 cho thấy, cựu Ngoại trưởng Mỹ đang nhận được 44% số phiếu ủng hộ, so với tỷ lệ 40% của tỷ phú Trump. Cùng ngày, Politico/Morning Consul công bố kết quả khảo sát cho thấy, bà Clinton dẫn trước ông Trump 3% số phiếu của cử tri toàn quốc (tỷ lệ 45-42%).

Theo nhận định của giới phân tích, sẽ có 17 bang với tổng cộng 200 phiếu đại cử tri chắc chắn bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ gồm California, Connecticut, Delaware, thủ đô Washington D.C, Hawaii, Illinois, Maine, Massachusetts, Maryland, Minnesota, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont và Washington. Năm bang có xu thế bỏ phiếu cho đảng Dân chủ gồm Colorado, Michigan, Nevada, Wisconsin và Virginia với tổng cộng 54 phiếu đại cử tri.

Nhận định này cũng gần giống với kết quả phân tích của trang mạng fivethirtyeight.com rằng, ứng cử viên Hillary Clinton đang có trong tay ít nhất 252 phiếu đại cử tri từ các bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Con lừa (biệt danh của đảng Dân chủ) và chỉ cần giành thêm tối thiểu 18 phiếu đại cử tri nữa là bà có đủ 270/538 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng.

Trong khi đó, ứng cử viên Trump mới chỉ thu được có 163 phiếu đại cử tri từ các bang vốn ủng hộ đảng Con voi (biệt danh của đảng Cộng hòa). Con số này lại thấp hơn so với nhận định của giới phân tích.

Theo đó, có 18 bang với tổng cộng 144 phiếu đại cử tri sẽ chắc chắn bỏ phiếu ông Trump, gồm Alabama, Arkansas, Idaho, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, West Virginia và Wyoming. Năm bang có xu thế bỏ phiếu cho Cộng hòa gồm Alaska, Arizona, Georgia, Iowa và Missouri với tổng cộng 46 phiếu đại cử tri.

Với tương quan lực lượng như vậy, mọi chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động bầu cử tại các bang còn dao động như Florida (29 phiếu), Maine tại khu vực bầu cử số 2, Nebraska tại khu vực bầu cử số 2, New Hampshire, North Carolina, Ohio (18 phiếu), Utah và Pennsylvania (20 phiếu) với tổng cộng 94 phiếu đại cử tri.

Tuy nhiên, việc có hơn 35 triệu cử tri Mỹ tham gia cuộc bỏ phiếu sớm, tính đến hết ngày 6-11, cũng được coi là một yếu tố khiến cán cân nghiêng về phía bà Clinton, vì bầu cử sớm diễn ra vào thời điểm trước khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố mở lại vụ điều tra và tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ còn rất cao.

Điều này cũng phần nào gây thêm áp lực cho ông Trump. Nhiệm vụ của vị tỷ phú này là vừa phải giữ bằng được chiến thắng tại các bang truyền thống, vừa phải đánh bại bà Clinton tại các bang “chiến địa” có số phiếu đại cử tri cao như Florida, Pennsylvania và Ohio.

Chỉ cần lỡ nhịp tại 1 trong số 3 bang này, cánh cửa bước vào Nhà Trắng có thể sẽ khép lại đối với ông. Riêng trong trường hợp Florida, một trong những bang chiến trường quan trọng góp phần quyết định cục diện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, phát biểu hôm 6-11 trong một cuộc vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tại bang này, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, nếu “chúng ta (đảng Dân chủ - PV) giành chiến thắng tại Florida, cuộc bầu cử sẽ khép lại. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực trong hai ngày tới, bởi nó quyết định tương lai của chúng ta”.

Theo tờ New York Times, bà Clinton có cơ hội chiến thắng tại Florida là 70%, trong khi con số này theo Huffington Post là 93%. Nhà báo danh tiếng Nate Silver cũng cho rằng, chiến thắng sẽ dành cho bà Clinton nhưng cũng cảnh báo, đây sẽ là một chiến thắng rất nhọc nhằn chứ không dễ dàng như Tổng thống Obama hồi năm 2012.

Hàng trăm quan sát viên quốc tế sẽ giám sát cuộc bầu cử

Hàng trăm quan sát viên quốc tế sẽ có mặt tại Mỹ để giám sát cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 - sự kiện chính trị quan trọng nhất trong 4 năm của nước Mỹ, Thượng viện, Hạ viện và Thống đốc bang vào ngày 8-11 (giờ địa phương – ngày 9-11 giờ Việt Nam). 

Các quan sát viên bầu cử sẽ đại diện cho hai tổ chức lớn có kinh nghiệm giám sát các cuộc bầu cử quốc tê,ë đó là Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS), có trụ sở đặt gần Nhà Trắng ở thủ đô Washington DC, và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Năm nay là lần đầu tiên, giới chức Mỹ đề nghị OAS cử các quan sát viên tham gia cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội Mỹ. Dẫn đầu nhóm quan sát viên gồm 40 người tới từ 16 nước của OAS là cựu Tổng thống Costa Rica Laura Chinchilla và sẽ thực hiện nhiệm vụ tại thủ đô Washington D.C và 11 bang khác. 

Trong khi đó, các đại diện của OSCE đã có kinh nghiệm tham gia giám sát 6 cuộc bầu cử khác tại Mỹ. Năm nay, OSCE dự kiến sẽ giám sát cuộc bầu cử tại khoảng 34 bang.

Minh Nhật

Khổng Hà
.
.
.