Bà Park ra đi để lại bức tranh ảm đạm cho chính trường Hàn Quốc

Thứ Hai, 13/03/2017, 10:51
Việc bà Park Geun-hye trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất vì bê bối liên quan đến người bạn thân lâu năm được đánh giá là sẽ để lại bức tranh ảm đạm cho chính trường nước này. Trước 18h ngày 12-3 (giờ địa phương), bà Park đã rời khỏi Nhà Xanh và trở về tư dinh ở Samseong-dong, phía Nam thủ đô Seoul, sau khi từ biệt các nhân viên.


Hàng trăm người ủng hộ bà Park đã tập trung trước tư dinh để bày tỏ sự cảm thông đối với vị cựu tổng thống này. Trước đó, những người này đã tiến hành biểu tình yêu cầu Tòa Hiến pháp bãi bỏ phán quyết phế truất bà Park. 

Những người biểu tình cho biết sẽ thành lập một đảng chính trị mới nhằm khôi phục công lý, luật pháp và dân chủ. Các nhà tổ chức cho biết khoảng 700.000 người đã tham gia cuộc biểu tình. 

Vài giờ trước khi diễn ra cuộc biểu tình, hàng chục người ủng hộ bà Park đã ném chất dễ cháy và xịt bình cứu hỏa vào một đồn cảnh sát nhằm phản ứng việc cảnh sát thắt chặt an ninh xung quanh khu vực biểu tình của họ.

Cảnh sát bảo vệ bên ngoài tư dinh của bà Park ngày 12-3.  Ảnh: Yonhap.

Trong khi đó, phe phản đối Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất cũng đã tiến hành cuộc biểu tình lần thứ 20 và cũng là cuối cùng tại Quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul, sau 5 tháng tiến hành các cuộc biểu tình hàng tuần. 

Những người biểu tình kêu gọi bắt giữ bà Park, đồng thời kêu gọi phế truất quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn - người đóng vai trò trung tâm trong chính quyền tổng thống vừa bị phế truất và từ chối kéo dài cuộc điều tra độc lập đối với vụ bê bối chính trị. 

Khoảng 65.000 người đã tham gia hoạt động này. Theo các học giả, vụ bê bối của bà Park kéo dài qua nhiều tháng đã gây ra những chia rẽ về chính trị và xã hội khó hàn gắn. Vì đó, nhiệm vụ lớn nhất mà người kế nhiệm bà Park phải đối mặt là đoàn kết đất nước trong bối cảnh các thách thức về an ninh và kinh tế bủa vây. 

Giáo sư chính trị Lee Chung Hee, tới từ Đại học Ngoại giao Hankuk, cho rằng, Hàn Quốc cần có thời gian để ổn định, các chính khách phải tích cực tìm cách thúc đẩy hội nhập và thống nhất đất nước thay vì chỉ trích lẫn nhau.

Việc bà Park bị phế truất đã để lại một khoảng trống quyền lực trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn chưa thể thoát khỏi những khó khăn về ngoại giao. Trong đó, đáng chú ý nhất là mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với hai nước láng giềng Trung Quốc liên quan tới việc Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ bất chấp sự phản đối dữ dội của Bắc Kinh và với Nhật Bản liên quan tới chủ quyền nhóm đảo Takeshima/Dokdo. 

Phía Hàn Quốc còn cảnh báo về khả năng CHDCND Triều Tiên tìm cách làm cho sự chia rẽ xã hội và chính trị ở nước này trở nên tồi tệ hơn sau sự ra đi của bà Park. Theo quyền Tổng thống Hàn Quốc, công luận ở Hàn Quốc bị chia rẽ liên quan đến phán quyết của tòa và Bình Nhưỡng có thể sẽ lợi dụng tình hình hiện nay ở Hàn Quốc để làm cho sự chia rẽ này trở nên sâu sắc hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng lộn xộn ở đây bằng cách tiến hành các hành động khiêu khích quân sự. 

Tuy nhiên, có bình luận cho rằng, phán quyết mang tính lịch sử của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc liên quan đến bê bối của bà Park có thể khiến nước này xích lại gần Trung Quốc. 

Ứng cử viên có khả năng nhất để thay thế bà Park là đại diện của đảng đối lập Moon Jae In, người đặt ra nghi vấn về nhu cầu triển khai THAAD trên Bán đảo Triều Tiên và là người ủng hộ chính sách hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc và thúc đẩy đối thoại với CHDCND Triều Tiên. Một số quan chức Mỹ cũng đã lưu ý rằng, tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ cố gắng kéo CHDCND Triều Tiên xích lại gần bằng cách “khuyến khích kinh tế” và các dự án kinh doanh chung.

Điểm sáng duy nhất sau vụ bà Park bị phế truất, theo các chuyên gia, là tâm trạng bất an của người dân Hàn Quốc đã phần nào được xóa bỏ, giúp họ toàn tâm toàn ý lựa chọn nhà lãnh đạo mới và giúp các ứng cử viên tổng thống có thể nêu rõ quan điểm chính trị của mình trong những vấn đề then chốt. 

Theo Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc, chính phủ nước này sẽ thông báo ngày tổ chức bầu cử tổng thống không muộn quá ngày 17-3 tới, tức là trước thời hạn chót vào ngày 20-3.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.