BRICS – điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu
- BRICS trên đường thành khối mạnh nhất thế giới
- BRICS và vai trò giải quyết những vấn đề toàn cầu
- BRICS đứng trước nguy cơ tan rã?
Hội nghị thượng đỉnh BRICS có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendara Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình khẳng định trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi phức tạp và sâu sắc hiện nay, hợp tác giữa các nước BRICS đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời kêu gọi các nước thành viên BRICS nên thúc đẩy hợp tác kinh tế thiết thực chống chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy cải cách năng lực điều hành kinh tế thế giới.
Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, đầu tư nước ngoài của 5 thành viên BRICS đã đạt 197 tỷ USD trong năm 2016, nhưng chỉ 5,7% diễn ra giữa các nước thành viên với nhau.
Lãnh đạo các nước tại Hội nghị BRICS ngày 4-9. Ảnh: Reuters. |
Ông nhấn mạnh dù khối đã đạt nhiều thành quả trong thời gian qua, nhưng tiềm năng hợp tác vẫn chưa được giải phóng đầy đủ. Ông kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, tiền tệ và tài chính, kết nối, phát triển bền vững, đổi mới, và hợp tác công nghệ. Ông cũng cho biết giao lưu nhân dân và các trao đổi văn hóa sẽ là “chìa khóa” để tăng cường sức mạnh và thúc đẩy hợp tác BRICS.
Nhân dịp này, ông Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ dành 500 triệu nhân dân tệ (76 triệu USD) cho hợp tác kinh tế và công nghệ, cũng như các trao đổi giữa các nước thành viên BRICS.
Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh BRICS, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, các nước nhóm BRICS có đóng góp đáng kể vào việc ổn định nền kinh tế toàn cầu, cũng như đã đem lại lợi ích rõ ràng cho hơn 3 tỉ người dân trong nhóm.
Ông gọi sự hợp tác của BRICS là “lựa chọn tự nhiên” của 5 quốc gia, đồng thời nhấn mạnh khối này đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định BRICS nên phối hợp với nhau để có được sự hợp tác kinh tế "vững vàng hơn".
Theo ông Tập Cận Bình, hợp tác kinh tế là nền tảng trong cơ chế của BRICS. Mặc dù vậy, với tư cách nước chủ nhà, Chủ tịch Trung Quốc cho biết các nền kinh tế BRICS đang phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm sút và những rủi ro tài chính gia tăng.
Để vượt qua giai đoạn này, các nền kinh tế BRICS nên theo đuổi phát triển theo hướng đổi mới vốn được tạo ra từ khu vực công nghiệp, mô hình Internet Plus, nền kinh tế số và kinh tế chia sẻ lợi ích.
Ngoài ra, BRICS cũng nên cải thiện sự hợp tác về chính sách kinh tế vĩ mô, điều phối các chiến lược phát triển, sử dụng “lực đòn bẩy” trong việc cơ cấu các ngành công nghiệp và các nguồn lực, tạo ra chuỗi giá trị và một thị trường lớn cho những lợi ích chung nhằm đạt được sự phát triển liên kết.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ngay sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H có khả năng gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Có lẽ vậy, vấn đề Triều Tiên đã bất ngờ vượt qua chủ đề chính của chương trình nghị sự để trở thành vấn đề chủ đạo.
Chủ tịch Tập Cận Bình không đề cập trực tiếp vụ thử hạt nhân mà chỉ nói rằng “bóng đen đang bao trùm cả thế giới sau nhiều năm hòa bình”, đồng thời cho rằng chỉ có đối thoại, tham vấn và đàm phán mới có thể dập tắt “lửa chiến tranh”. Trong khi đó, lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS đã đồng loạt lên án vụ thử hạt nhân mới đây của CHDCND Triều Tiên.
Tuyên bố Hạ Môn nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng hiện nay và vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh vấn đề này chỉ nên được giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình và đối thoại trực tiếp giữa tất cả các bên”.