Ấn Độ - Pakistan chìm vào vòng xoáy căng thẳng mới
- Ấn Độ - Pakistan vẫn chưa “xuống thang”
- Ấn Độ - Pakistan: Xung đột sẽ đi đến đâu
- Ấn Độ - Pakistan nóng hừng hực, nã đạn súng cối tại Kashmir
Đây là nấc thang mới trong căng thẳng ngoại giao giữa Pakistan và Ấn Độ, hai nước láng giềng từng trải qua hai cuộc chiến tranh liên quan đến Kashmir, khu vực Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.
Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra tại ranh giới phân chia khu vực Kashmir giữa hai nước. Những xung đội giữa hai nước lại một lần nữa nóng lên khi chính phủ do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lãnh đạo ngày 6-8 đã thông qua dự luật chia tách bang Jammu và Kashmir 2019 và chấp thuận sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong hiến pháp nước này.
Cộng đồng quốc tế lo ngại hai quốc gia láng giềng sở hữu hạt nhân có thể rơi vào một cuộc chiến mới.Ảnh minh họa: CNN/Getty Images |
Điều khoản này gây ra tình trạng thất nghiệp và thất học, cản trở lan tỏa giá trị dân chủ trong khi khuyến khích chủ nghĩa ly khai do Pakistan hậu thuẫn. Đây được xem là quyết định có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần bảy thập kỷ qua, đồng thời đẩy căng thẳng giữa hai nước láng giềng Nam Á lên một tầm cao mới.
Trước đó, Ấn Độ ngày 5-8 đã triển khai thêm ít nhất 8.000 binh sỹ bán vũ trang từ nhiều địa phương trên cả nước đến thung lũng Kashmir, nâng số binh sỹ bán vũ trang đồn trú tại đây lên hơn 43.000 người, đồng thời đặt các lực lượng Lục quân và Không quân trong tình trạng báo động cao.
Đáp lại, Pakistan tuyên bố, không một bước đi đơn phương nào của Ấn Độ có thể thay đổi hiện trạng tranh chấp này. Với tư cách là một bên trong tranh chấp quốc tế, Pakistan sẽ áp dụng mọi phương án khả thi nhằm đối phó với những bước đi này của Ấn Độ.
Ngày 7-8, Islamabad đã quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại song phương với nước láng giềng. Thêm vào đó, Đại sứ mới được bổ nhiệm của Pakistan tại Ấn Độ dù vẫn chưa thể nhậm chức nhưng sẽ không chuyển đến New Delhi nữa, đồng thời, Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan cũng sẽ bị trục xuất.
Bộ Ngoại giao Pakistan đã ra tuyên bố phản đối quyết định nói trên của Ấn Độ, nhấn mạnh rằng, theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các bên không được thay đổi quy chế của Kashmir.
Tuyên bố nêu rõ Pakistan sẽ thực hiện tất cả những phương án có thể để ngăn chặn việc này. Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 5-8 đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad về vấn đề Kashmir.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 6-8 cảnh báo đang cân nhắc các bước đi ngoại giao và quân sự để đối phó với Ấn Độ: “Tôi đang đặt câu hỏi: Nếu chúng ta sẵn sàng chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng, cuộc chiến sẽ như thế nào? Đó sẽ là cuộc chiến mà không ai chiến thắng. Tất cả sẽ thua cuộc. Vì vậy, câu hỏi tiếp theo là: Tôi có sử dụng tối hậu thư hạt nhân không? Tôi sẽ không sử dụng, nhưng tôi cũng khẳng định nên hy vọng vào điều tốt nhất, và cũng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Các nguồn tin địa phương cho biết Pakistan đang lên kế hoạch đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của Ấn Độ như một phần biện pháp trả đũa.
Truyền thông địa phương ngày 8-8 đưa tin, Ấn Độ đã bắt giữ ít nhất 300 chính trị gia và người theo chủ nghĩa ly khai nhằm dập tắt các cuộc biểu tình ở Kashmir. Theo Reuters, từ hôm 4-8, mạng di động, internet đã bị cắt, các cuộc tụ họp công cộng đều bị cấm ở Srinagar, thành phố lớn nhất ở Jammu và Kashmir. Hàng ngàn cảnh sát bán quân sự đã được triển khai tại Srinagar, các trường học đóng cửa, nhiều con đường và khu phố bị rào chắn, tuy nhiên, đã có những cuộc biểu tình lẻ tẻ.
Cộng đồng quốc tế đang dõi theo từng diễn biến trong cuộc đối đầu Ấn Độ và Pakistan tại khu vực tranh chấp, bày tỏ lo ngại rằng bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể đẩy hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân này đến một cuộc chiến tranh toàn diện. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6-8 bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa hai nước, hối thúc Ấn Độ và Pakistan kiềm chế.
Mỹ ngày 8-8 tuyên bố ủng hộ đối thoại trực tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan về vùng Kashmir tranh chấp, đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh và kiềm chế khi căng thẳng leo thang.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Alice Wells sẽ tới Ấn Độ và Pakistan, có các cuộc tiếp xúc với quan chức chính phủ cấp cao hai nước.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết ông đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, bày tỏ quan ngại về tình hình tại khu vực tranh chấp Kashmir, nắm rõ được tình hình từ quan điểm của New Delhi, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ra tuyên bố, hành động của Ấn Độ bãi bỏ quy chế đặc biệt tại Kashmir là không thể chấp nhận và sẽ không có hiệu lực pháp lý. Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ tuân thủ nghiêm các thỏa thuận đạt được giữa hai nước nhằm tránh mọi hành động có thể làm phức tạp hơn nữa các vấn đề biên giới.