ASEAN là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53), diễn ra từ ngày 9 đến 12/9, theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, ông Pompeo tái khẳng sự ủng hộ của Mỹ đối với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và vai trò của Tầm nhìn trong việc định hướng sự tham gia của Mỹ với ASEAN, thông cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp nêu rõ.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh ASEAN đóng vai trò trung tâm quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Ông cũng công bố các sáng kiến mới trong khuôn khổ chương trình Hợp đồng Y tế ASEAN-Mỹ và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cùng Ngoại trưởng Mỹ đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách cùng quan tâm. |
Ngoại trưởng Mỹ đồng thời hoan nghênh Chủ tịch ASEAN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị AMM-53 trong thời điểm "cam go" hiện nay, đồng thời ca ngợi các nước ASEAN đã có những phản ứng minh bạch đối với đại dịch COVID-19.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng gửi lời cảm ơn Mỹ đã cung cấp hơn 87 triệu USD viện trợ y tế khẩn cấp và nhân đạo đến các nước ASEAN để chống lại đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith, quốc gia điều phối, nhấn mạnh: "ASEAN hoan nghênh việc Mỹ cũng đang có nhiều sự quan tâm đến ASEAN trong các lĩnh vực mang lại lợi ích cho cả hai bên như phát triển nguồn lực con người, năng lượng, an ninh mạng...".
Tại hội nghị, ông Pompeo cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách cùng quan tâm, bao gồm vấn đề ở bang Rakhine, Myanmar; vấn đề đàm phán Triều Tiên; và kêu gọi Trung Quốc ngừng các chính sách gây hấn và gây bất ổn, bao gồm cả ở Biển Đông, tiểu vùng sông Mekong và Hong Kong.
Ngoại trưởng Mỹ và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng chia sẻ quan điểm chung rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.