51 triệu cử tri Thái đi bầu cử sau 8 năm chờ đợi

Chủ Nhật, 24/03/2019, 14:07
Sáng 24-3, hơn 50 triệu cử tri Thái Lan đã đến các điểm bỏ phiếu trên cả nước để thực hiện quyền công dân vốn dĩ bị trì hoãn sau cuộc đảo chính năm 2014.
Một điểm bỏ phiếu tại Bangkok, Thái Lan trước thềm cuộc bầu cử. Ảnh Reuters.

Hơn 93.000 điểm bỏ phiếu sẽ được mở từ 8 giờ sáng đến 17 giờ cùng ngày cho cuộc bầu cử được hy vọng là sẽ giúp thành lập được chính phủ dẫn dắt đất nước Thái Lan trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

Tỷ lệ cử tri dự kiến sẽ khá cao, khoảng 51,4 triệu người đủ điều kiện đi bỏ phiếu cho 350 trên 500 ghế Hạ viện, 150 ghế còn lại được phân bổ theo danh sách đảng, tiếp đó sẽ chọn ra chính phủ mới cùng với Thượng viện vốn được chỉ định hoàn toàn bởi chính phủ cầm quyền.

Có gần 80 đảng phái tham gia tranh cử cho 500 ghế Hạ viện Thái, bên cạnh đó, 68 ứng viên đã đủ điều kiện chạy đua cho chức Thủ tướng, theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan.

Cuộc bầu cử ở Thái Lan được giới chuyên gia trong khu vực theo dõi rất sát sao và được đánh giá là phức tạp. Theo luật bầu cử mới ở nước này, với tình trạng hiện nay khó có đảng nào có thể giành quá nửa số phiếu để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Cụ thể, chức Thủ tướng sẽ do 750 nghị sĩ lưỡng viện bầu ra, ngoài 500 hạ nghị sĩ, 250 thượng nghị sĩ sẽ do hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia bầu ra.

Hiện nay, ba đảng có vị thế lớn nhất trong cuộc đua là đảng Vì nước Thái (Pheu Thai – có xu hướng thân với dòng họ Shinawatra), đảng Dân chủ và đảng Palang Pracharat.

Trong khi kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ được công bố vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, các công tác chuẩn bị cho chính phủ mới có thể sẽ mất đến vài tuần, bởi chưa rõ đảng nào sẽ có đủ phiếu để giành được chiến thắng hoàn toàn.

Vua Thái Lan đã đưa ra một tuyên bố bất ngờ và khá khó hiểu chỉ vài giờ trước thềm cuộc bỏ phiếu, tưởng nhớ lại một bình luận của người cha quá cố năm 1969 về việc cần phải đưa “người tốt” vào vị trí quyền lực và ngăn chặn “người xấu gây hỗn loạn”.

Mặc dù ông không đề cập đến bất kỳ một phe nào trong cuộc đua, nhưng nhiều người suy đoán trên các trang mạng xã hội rằng đó là một “tham chiếu được mã hóa” cho các phe phái chính trị Thái Lan.

Sự can thiệp của nhà vua Thái Lan là một sự khác biệt đối với cách tiếp cận của cha ông, người vốn giữ khoảng cách nhất định giữa chế độ quân chủ và chính trị.

Duy Tiến
.
.
.