Thư viện sách của chàng trai khuyết tật

Thứ Sáu, 26/01/2018, 11:06
Sinh năm 1979, chưa đầy 40 tuổi nhưng 20 năm nay Mai Tư Khoa phải gắn chặt mình với chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Vụ tai nạn lao động năm 1998 đã lấy đi của anh đôi chân, nhưng đã mang lại cho anh một nghị lực sống - cống hiến phi thường.


Ly li nim tin t báo, đài

Mai Tư Khoa sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo khó, thôn Đông Phúc, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thương bố mẹ vất vả nên anh đã xin vào làm công nhân Nhà máy Xi măng Cosevco Thanh Trường đặt tại xã. 

Trong quá trình khai thác đá cho nhà máy, Khoa bị tai nạn lao động. Vụ tai nạn nghiêm trọng đã suýt cướp đi mạng sống của anh. Trải qua 9 lần phẫu thuật, cái mạng giữ được nhưng đôi chân thì vĩnh viễn anh không còn được thấy nó, dù bố mẹ đã phải vay mượn tiền đưa anh đi khắp nơi chạy chữa.

Đang từ chàng thanh niên “sức dài vai rộng”, từ một người lành lặn, xông xáo khắp nơi, giờ thành người khuyết tật, phải ngồi trên chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt phải nhờ vào bố mẹ đã già yếu, khiến anh suy sụp, chán nản. Điều này là lẽ thường tình, nhưng nó lại khiến mẹ anh lo sợ. Bà sợ anh nghĩ quẩn nên luôn bên cạnh phần để an ủi nhưng cũng là để trông chừng anh nữa.

Trong thời gian vật lộn với bệnh tật, Khoa chỉ biết làm bạn với sách, đài rồi tivi và sau này là điện thoại, máy tính. Cũng nhờ đó mà anh nhận ra rằng, cuộc sống này còn có rất nhiều người có số phận như mình, có những người còn mắc thêm trọng bệnh nhưng vẫn nỗ lực vươn lên để sống có ích. Chính từ những tấm gương điển hình vượt khó mà cái cảm giác chán nản trong anh nhanh chóng biến mất, thay vào đó là nghị lực sống và quyết tâm phải sống sao cho có ý nghĩa.

Nghị lực và quyết tâm ấy đã biến những suy nghĩ của anh thành hành động. Năm 2010, với số tiền tích góp được, Mai Tư Khoa đã trang bị căn phòng của mình thành thư viện mini tại gia, giúp các em học sinh nghèo trên địa bàn đến đọc và mượn sách miễn phí. Khi thư viện mini được nhiều em học sinh biết và tìm đến mượn sách, thấy hiệu quả, Khoa đã rất vui mừng và quyết tâm sẽ tiếp tục mở rộng mô hình để có được nhiều sách hơn, có thể giúp đỡ được các em nhiều hơn.

Tìm được ý nghĩa cuc đi

Từ suy nghĩ đó, Khoa miệt mài lên mạng tìm hiểu, kêu gọi sự giúp đỡ. Tấm lòng thiện nguyện của anh đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền đất nước. Họ gửi sách và cả tiền để anh thực hiện ước nguyện của mình, nhờ vậy Khoa đã có được thêm 10 tủ sách để đặt tại các lớp học của Trường Tiểu học và THCS Quảng Trường cho học sinh mượn.

Với quyết tâm “tàn nhưng không phế”, Khoa lên mạng xã hội tiếp tục kêu gọi, quyên góp tiền và vật chất để hỗ trợ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, từ nguồn quyên góp được, năm nào Khoa cũng hỗ trợ học phí, sách vở, quần áo cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật ở các trường học tại địa phương vào dịp khai giảng năm học mới. Đặc biệt sau trận lũ năm 2016, anh đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ đồng bào lũ lụt, học sinh khó khăn khoảng 150 triệu đồng bao gồm cả tiền mặt lẫn vật chất.

Anh tâm sự: “Mình xem tivi, đọc báo và nhận thấy còn rất nhiều người như mình và họ đã làm được những điều rất phi thường, rất ý nghĩa, mình lấy đó làm tấm gương để vươn lên. Mỗi khi mang đến niềm vui cho học sinh nghèo hay các hoàn cảnh khó khăn, mình vui lắm, mình nhận ra rằng đó mới là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời và tự nhủ với bản thân rằng, còn sức thì sẽ còn tiếp tục làm từ thiện”.

Khoa cũng chia sẻ thêm: “Mình hay theo dõi báo, đài và biết được những câu chuyện hiến tạng để cứu người, hiến thân thể sau khi chết để nghiên cứu y học, mình thấy rằng đây là một việc làm rất thiết thực và ý nghĩa, từ đó mình đã quyết định đăng ký hiến xác cho y học khi qua đời”.

Những việc làm của Mai Tư Khoa đã khiến mọi người cảm kích. Nhiều năm liền, anh đã được các cấp chính quyền khen thưởng trong công tác vận động từ thiện. Đặc biệt, năm 2016, anh được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen Thanh niên khuyết tật tiêu biểu.

Dù bị khuyết tật, không còn có thể bước đi trên chính đôi chân của mình, phải chịu đau đớn những ngày trái gió trở trời, song Mai Tư Khoa đã vượt qua số phận, sự tuyệt vọng để sống một cách đầy ý nghĩa, biến những tháng ngày tưởng chừng như chỉ có đau đớn thành niềm vui bằng những việc làm mang hơi ấm tình thương đến với những số phận kém may mắn.

Nói về Mai Tư Khoa, ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường, nhận xét: “Với nghị lực vượt lên chính mình, Khoa đã kết nối qua công nghệ thông tin kêu gọi sự giúp đỡ của cá nhân, các tổ chức để hỗ trợ địa phương rất nhiều. Những việc làm của Khoa khiến chúng tôi thật sự cảm kích. Ðây chính là tấm gương sáng cho thanh niên học tập và noi theo”.
Tân Ước
.
.
.