Lão nông thất thập và ước mơ tiến sĩ

Thứ Hai, 24/04/2017, 16:03
Sau mấy hồi chuông điện thoại, ông nghe máy. Bằng âm giọng chắc nịch, ngôn ngữ đậm chất dân dã, ông bộc bạch: "Tui có hai bằng cử nhân khi tuổi đã xế chiều nhưng bây giờ vẫn đang chuẩn bị bảo vệ luận văn Thạc sĩ luật, xong cái này rồi sẽ tính tiếp Tiến sĩ...".

Lão nông Lương Tuyển, 70 tuổi, trú ở thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) - người mà tôi đã gặp trong buổi sáng giữa tháng tư ở vùng quê đầy nắng gió phía hữu ngạn con sông Dinh hiền hòa.

Rót tách trà nóng mời khách sau khi hối thúc người vợ chuẩn bị bữa cơm đúng nghĩa "cây nhà lá vườn", ông Lương Tuyển khởi đầu câu chuyện rất mộc mạc: "Tính đến nay, tui đã có chặng thời gian làm việc xuyên suốt gần 40 năm ở Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ninh Quang 2.

Ông Lương Tuyển nhận bằng cử nhân khoa học quản trị kinh doanh năm 54 tuổi và cử nhân luật dân sự năm 64 tuổi.

Mấy năm đầu đảm nhiệm công việc nhân viên thú y, trưởng trại chăn nuôi lợn, sau đó được xã viên tín nhiệm lần lượt bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm - nay là Giám đốc, thế nhưng tui vẫn thích mọi người gọi mình là nông dân, vì từ bé đến giờ, tui vẫn là dân nhà nông thứ thiệt.

Ở vùng quê này hàng chục năm nay ai cũng biết ngoài giờ hành chính tui không chỉ miệt mài bám đồng đất gieo trồng 3ha ruộng lúa hai vụ mỗi năm, mà còn phải trông coi, chăm sóc vườn rừng 7ha cây xà cừ, keo lá tràm, măng tre cùng với hơn 500 cây xoài, bưởi kết hợp chăn nuôi vịt, gà, lợn…".

Khi nghe tôi hỏi đến hành trình học tập, lão nông Lương Tuyển cười, rồi bảo: "Gian truân, vất vả lắm tui mới có được hai tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh và cử nhân luật dân sự. Già rồi, nhưng càng học, tui càng thấy đam mê, nên tui tiếp tục bám đuổi và đang chuẩn bị bảo vệ luận văn Thạc sĩ luật, sau đó sẽ đi thêm "bước nữa". Cho dù khó khăn đến mấy, tui cũng nỗ lực vươn tới đích ước mơ và tâm nguyện của mình".

Điểm lại con đường học vấn thời niên thiếu, ông Tuyển chia sẻ: "Thời xưa, vùng quê này hoang sơ nghèo khó, giao thông cách trở, nhà nào cũng lo chuyện cày cấy gieo trồng ngô, lúa, sắn, khoai, nên hiếm có người vượt qua bậc tiểu học để ra phố bước đến bậc trung học.

Gia cảnh của tui lúc đó khó khăn hơn nhiều gia đình khác trong làng, khi tui lên 5 tuổi thì người mẹ qua đời sau cơn bệnh hiểm nghèo, ba năm sau cha tui cũng về với tổ tiên, nên tui chỉ được học đến lớp 3 thì xếp sách vở để lo chuyện nhà nông, phụ giúp ông bà ngoại chăn bò, cắt cỏ, trồng trọt lúa, khoai.

Năm tui 14 tuổi, một thầy giáo mở lớp học trong làng, tui cùng một số anh chị, bạn bè lọ mọ ôm sách vở tiếp tục đi học đến hết lớp 5 thì dừng lại vì không có điều kiện ra phố bám đuổi con đường học vấn".

Ông Tuyển kể tiếp: "Hơn 20 tuổi, tui bị bắt quân dịch, nhưng may mắn được đưa đi đào tạo kỹ thuật viên xét nghiệm y tế nên về làm việc tại Bệnh viện Quân đoàn 2 ở thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai. Trong thời gian đó, tôi tiếp tục đi học văn hóa đến hết lớp đệ tứ và lấy bằng tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp - tương đương bậc trung học cơ sở bây giờ".

Hai năm sau khi đất nước thống nhất, ông Lương Tuyển được bố trí làm nhân viên ở Trạm Y tế xã Ninh Quang. Nhận biết trình độ học vấn của mình còn hạn chế, trong khi yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần có nguồn nhân lực trí thức, nên mỗi đêm ông Tuyển cọc cạch xe đạp ngược xuôi hàng chục cây số, trong đó có những chặng đường cắt ngang cánh đồng vắng lặng, hắt hiu mới đến thị trấn Ninh Hòa - nay là phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa để tiếp tục đi học cho đến khi lấy bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc văn hóa.

Ông Tuyển tâm sự: "Duyên nợ đưa tui gắn bó HTX nông nghiệp từ năm 1981, khi nhà nước đã và đang triển khai thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp ở những vùng nông thôn phía Nam.

Lúc đó, UBND xã Ninh Quang tuyển chọn cán bộ cơ sở đi học chuyên môn nghiệp vụ chăn nuôi - thú y ở Trường Trung học Nông nghiệp Phú Khánh tại xã Hòa An, thị xã Tuy Hòa. Người được cử đi học tìm cách né tránh vì lo ngại vất vả, xa xôi, nên tui mới được ghi danh.

Tưởng chừng có được cơ may, nào ngờ đến khi nhập trường rồi tui mới biết mình không được nhận tiêu chuẩn hỗ trợ đi học mỗi tháng 20kg thóc như cán bộ được tuyển chọn, nên mọi chi phí đều phải trông chờ người vợ, trong khi đời sống kinh tế gia đình tui lúc đó cực kỳ khó khăn".

Sau khi tốt nghiệp, ông Tuyển được phân công đảm trách Trưởng trại chăn nuôi lợn của HTX nông nghiệp Ninh Quang, mấy năm sau, ông được bầu làm Phó Chủ nhiệm HTX. Đến năm 1997, HTX nông nghiệp Ninh Quang chia tách, ông Tuyển làm Chủ nhiệm, sau đó chuyển đổi chức danh Giám đốc HTX Nông nghiệp Ninh Quang 2 cho đến nay.

Chức danh đó do xã viên bầu chọn mỗi nhiệm kỳ, rất có thể nay còn mai mất, vì thế ông Tuyển vẫn luôn nhận thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nên từ đầu năm 1988 ông đã gửi đơn xin đi học kỹ sư nông nghiệp ở Trung tâm Đào tạo - bồi dưỡng cán bộ tại chức tỉnh Phú Khánh, nhưng không được chấp nhận chỉ vì không thuộc diện quy hoạch nhân sự ở địa phương.

Nhắc lại chuyện ấy, ông Tuyển bày tỏ: "Dù rất buồn nhưng tui không nản lòng, mà vẫn kiên trì chờ đợi gần chục năm sau mới có dịp ghi danh dự thi và trúng tuyển Trường Đại học mở - bán công TP Hồ Chí Minh liên kết Trung tâm giáo dục thường xuyên Khánh Hòa đào tạo hệ từ xa vào năm 1997.

Hơn 4 năm đi học bằng chế độ… "cơm nhà, áo vợ" đã đành, mà cả gia đình tui còn phải "thắt lưng, buột bụng" góp nhặt tiền từ con lợn, cân thóc cho đến vườn cây để lo các khoản học phí, tài liệu… Nhờ đó tui mới vượt khó, nỗ lực học tập và vinh hạnh nhận bằng cử nhân khoa học ngành quản trị kinh doanh giữa năm 2001, khi đang ở tuổi 54".

Chưa thỏa ước nguyện nên 4 năm sau đó, ông Tuyển tiếp tục thi đậu hệ tại chức Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo tại TP Nha Trang. Gần 5 năm miệt mài bên những chồng sách vở ngổn ngang, cứ mỗi lần đến kỳ đi học tập trung, ông Tuyển lại tất bật ngược xuôi trên chặng đường hơn 80km từ thị xã Ninh Hòa vào tận phố biển Nha Trang bằng chiếc xe máy già cỗi.

Không ít lần chiếc xe trở chứng mất đèn bất chợt trong đêm mưa tối mịt khiến lão nông phải dò đường từng cây số và đã có lúc suýt té ngã do vấp phải ổ gà.

Còn ở trường, nhiều lần ông phải kiếm cớ né tránh mấy cô cậu sinh viên cùng lớp khi họ rủ đi ăn bát phở sau buổi học, chỉ vì túi tiền của ông chỉ còn đủ để đổ xăng. Đáp lại những nỗ lực bền bỉ của chính mình và sự động viên, hỗ trợ của gia đình, bè bạn, giữa năm 2010, ông Tuyển nhận bằng cử nhân luật dân sự ở tuổi 64.

Lão nông Lương Tuyển tỉa cành trong vườn bưởi của gia đình.

Ông chia sẻ: "Càng học tui càng đam mê và tự tin hơn khi vận dụng hiệu quả những kiến thức chuyên môn để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở hợp tác xã và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều người dân trong những vụ tranh chấp dân sự… Chính niềm đam mê đó đã thôi thúc tui đăng ký dự thi và chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ luật với đề tài: "Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của HTX gây ra".

Cứ tưởng hành trình học tập của lão nông Lương Tuyển đã đến điểm dừng ở đó, nào ngờ giữa cuộc chuyện trò vui vẻ, ông "bật mí" cho tôi biết, ước mơ chinh phục thêm một nấc đỉnh cao tri thức, khi nói rằng: "Nhận được tấm bằng thạc sĩ xong, tui sẽ tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ luật".

Trong lúc đưa tôi đi tham quan vườn cây ăn quả xanh mướt và vườn rừng rộng lớn của gia đình, ông Tuyển chia sẻ: "Niềm vui và hạnh phúc của riêng tôi phía sau sự thành đạt trong hành trình học tập chuyên môn nghiệp vụ là sự hỗ trợ, động viên tích cực của người vợ Trần Thị Sương, 64 tuổi. Người bạn đời không chỉ chăm lo cho tui mà còn chăm sóc, nuôi dưỡng 4 đứa con trai thành đạt. Ngoài người con đầu là Lương Trần Trung, tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí hệ cao đẳng, hai người con kề là Lương Trần Nghĩa, Lương Trần Tín đều có bằng kỹ sư tin học, cậu út là Lương Trần Hiếu tốt nghiệp Học viện Biên phòng, hiện là Thiếu úy quân nhân Đồn Biên phòng Ninh Phước thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa".

Chia tay ông khi ánh hoàng hôn nhuốm đỏ phía trời tây, tôi chợt nhớ danh ngôn khuyết danh truyền dạy: "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học", ngạn ngữ Nga có câu: "Bộ lông làm đẹp con Công, học vấn làm đẹp con Người". Tấm gương hiếu học của lão nông Lương Tuyển thật đáng trân trọng biểu dương.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.