Khổng Thị Minh: Ði mãi sẽ thành đường

Chủ Nhật, 18/02/2018, 07:08
“Thất bại là mẹ thành công. Nơi nào không có đường, mình đi mãi nó cũng thành đường”. Ðó chính là “bí quyết” đã giúp chị Khổng Thị Minh từ một cô bé bán chanh trở thành bà chủ thương hiệu đồ điện gia dụng Kim Cương nổi tiếng khắp từ Nam chí Bắc như hiện nay.


Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp chị đó là gương mặt sắc cạnh của người đã phải trải qua nhiều gian lao khó nhọc. Và quả vậy, chị cho biết từ nhỏ chị đã được trui rèn trong nghèo khó, khổ cực.

Mới lớp 5 đã tập đi buôn

Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc Vĩnh Phúc), lại có tới 8 anh chị em nên cuộc sống của gia đình chị rất vất vả. Từ lúc còn nhỏ, chị đã phải ra đồng làm việc cùng mọi người tích điểm để đủ tem phiếu đổi gạo.

Nói về chịu thương chịu khó, có lẽ ít ai bì được chị. Chị cho biết đã từng làm thuê cuốc mướn khắp 38 xã trong huyện. "Ở huyện có 38 xã, thì hết 38 xã có dấu chân của mình đến làm mướn. Người ta con gái đến 15 tuổi là tính chuyện có chồng, còn tôi không có khái niệm đó”, chị Minh kể.

Nhưng không chỉ biết đến những việc lao động chân tay, từ nhỏ chị Minh đã tỏ ra là người có nhiều sáng kiến, dám nghĩ dám làm. Chị kể hồi học lớp 5, nhà có trồng chanh, người đi buôn từ Vĩnh Yên - Hà Nội xuống mua ùn ùn, nghe nói bán lãi cao. Vậy là chị nói với bố không bán chanh cho họ nữa, rồi táo bạo đề nghị: "Bố bán thiếu cho con đi, bố bán cho người ta bao nhiêu, con trả cho bố bấy nhiêu”.

Nói là làm. Cô bé Minh quẩy hai giỏ chanh sau lưng, đội nắng đi bộ 30 km từ nhà để đón tàu chợ ra chợ Đồng Xuân ở Hà Nội trong 3 giờ đồng hồ. Nhưng lần đầu vì chưa có kinh nghiệm, chị đổ hết chanh ra rổ, vậy là người mua qua lại cứ tiện tay bốc lấy mà không kiểm soát được, kết quả là... lỗ chỏng vó.

Sợ bố la rầy, hơn nữa nếu nói ra bố sẽ không cho đi buôn nữa, cô bé mới hơn 10 tuổi đành mượn bạn và đập ống heo trả tiền chanh cho bố. Rút kinh nghiệm lần thứ hai, Minh đổ chanh từ từ ra rổ, cứ hết mớ này mới đổ mớ tiếp theo, và rồi cũng có lãi. Nhưng cô bé Minh không cầm tiền về khoe bố ngay, mà đem đi mua cá khô, miến khô, xà bông cục ở chợ Đồng Xuân, đi ngược về chợ Xuân Hòa để bán, kiếm lời thêm một lần nữa.

Rồi những khi có đội chiếu bóng lưu động về xã, mọi người lo kiếm tiền đi mua vé xem chiếu bóng, còn cô bé Minh lại để dành tiền mua kẹo, lạc (đậu phộng), thuốc lá để bán cho những người đến xem phim. Khi phim chiếu được hơn một nửa, người ta thả cổng cô mới được vào xem. Mỗi khi Tết đến, 2 giờ sáng Minh đã ra ngoài chợ ngồi bán cau cúng...

Cơ duyên với ngành Công an

Và rồi bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc sống của cô thôn nữ khi người chú ruột báo với gia đình có suất học Công an. Minh xin và được bố chấp thuận ngay. Sau 6 tháng thử thách, bổ túc văn hoá, nghiệp vụ, Minh được chọn, vào công tác ở Trường Vĩnh Phúc 2 năm. Sau đó, năm 1978, cơ quan giảm biên chế và cô được điều vào miền Nam công tác ở Cục Hậu cần của Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an).

Lúc đó, lương của chị chỉ được 18.000 đồng/tháng. Để có thêm tiền gửi về quê phụ giúp bố mẹ già, tận dụng mỗi năm cơ quan có một tháng nghỉ phép chị ra các cửa hàng tạp hóa mua đồng hồ quả lắc, xe đạp Thống Nhất, thuốc lá Vinataba... để mang về Bắc bán.

Công tác tại Cục Hậu cần 5 năm thì chị Minh lập gia đình với anh làm cùng cơ quan. Khi đó đời sống của cán bộ công chức rất khó khăn, nên đám cưới của hai anh chị cũng diễn ra rất đơn sơ: Chỉ mời mọi người đến ăn kẹo và uống nước trà. Sau cưới, hai vợ chồng được phân cho một căn trong khu nhà tập thể. Chị lại nhận thêm phần dọn vệ sinh cho nhà tập thể để kiếm thêm 10.000 đồng mỗi tháng.

Khi hai vợ chồng sinh đứa con đầu tiên, niềm vui vỡ òa nhưng chị cũng thương con hết sức vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn. Sinh con không được bao lâu chị phải đạp xe ra chợ cầu Muối (cầu Ông Lãnh) từ 3-4 giờ sáng để bán cá. Sau khi đi làm về, chiều chị lại đạp xe ra chợ cầu Muối nhặt đầu cá về, cái nào ngon thì lọc ra để nhà ăn, còn lại nấu cho heo. “Sinh con tháng đầu tiên chị còn được thỉnh thoảng ăn thịt, từ tháng thứ 2 hết tiền nên phải ăn toàn đầu cá”, chị Minh nhớ lại.

Cuộc sống quá khó khăn khiến chị Minh trăn trở để tìm một con đường tốt hơn cho cả nhà, cho tương lai của các con. Nhớ lại trước đó từng đi buôn Bắc - Nam, chị quay lại việc cũ. Tranh thủ mỗi năm có một tháng nghỉ phép, chị đạp xe ra Chợ Lớn mua hàng để đi buôn chuyến ra Bắc. Khi đó, việc buôn bán còn rất khó khăn, lại đi tàu chợ rất gian khổ và mất nhiều ngày (5 ngày), nhưng kiếm thêm được đồng tiền cho cả nhà chị cảm thấy rất vui.

Quyết định khó khăn

Cuộc sống cứ như vậy trôi qua, nhưng khi sinh thêm đứa con thứ 2, chị nhận thấy nếu cả hai vợ chồng đều làm công chức sẽ không đủ tiền lo cho các con, nên bàn với chồng sẽ chuyển hướng để đi làm kinh tế.

Sau đó là những tháng ngày chị lao vào buôn chuyến chuyên nghiệp. Chị ra Bắc vào Nam, lên các tỉnh vùng cao, thậm chí sang tận Campuchia. Đó là những tháng ngày đầy gian khổ và mồ hôi nước mắt mà chị không bao giờ quên được. “Chị đã ăn nằm ở tất cả các ga, nếm đủ mùi gian khổ, có khi phải ngủ ngay dưới gầm toa xe lửa, dơ bẩn và hôi thối”, chị Minh nhớ lại.

Gian khổ đã đành, nhưng điều khiến chị tủi thân nhất là do mình đi quá nhiều, đến lúc về nhà con lạ mẹ không theo. Vì vậy, chị đã 3 lần bỏ buôn chuyến để ở nhà với con, chuyển sang buôn bán ống nước và hàng đồ điện. Rồi lại cảm thấy chán, lại bỏ đi buôn chuyến, cứ như vậy người chị không bao giờ ngồi yên, không bao giờ ngơi nghỉ.

Thời điểm những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990 là buổi giao thoa giữa bao cấp và nền kinh tế mới, hàng điện gia dụng trôi nổi, nhất là hàng Trung Quốc thống lĩnh thị trường Việt Nam. Khi đó, chị Minh có trăn trở là người Việt cứ đua nhau mua hàng Trung Quốc, nhất là mặt hàng nồi cơm điện rất ưa chuộng bấy giờ, trong khi không thấy thương hiệu Việt nào.

Đầu năm 1998, chị Minh mua một chiếc nồi cơm điện mới về nhà rồi mở tung ra tự mày mò nghiên cứu. “Nhìn một cái nồi có vẻ đơn giản, nhưng để làm ra phải qua nhiều công đoạn, phải mua khuôn, lồng… Nồi cơm điện có tới 42 chi tiết”, chị Minh kể.

Để sản xuất là điều không hề dễ dàng, chị phân ra từng công đoạn của từng chi tiết, rồi đến từng nơi nhờ người ta làm từng bộ phận... Rồi sau đó, chị vay mượn bạn bè, ngân hàng, lập ra Công ty Cơ điện Minh Khoa để thỏa niềm mơ ước về một chiếc nồi “kiểu dáng rực rỡ, chất lượng tốt mà lại hợp túi tiền” do người Việt sản xuất, lấy thương hiệu Kim Cương.

Thành công không bao giờ là điều dễ dàng. Công trình đầu tay ngốn hết 2 tỷ đồng tiền chị vay mượn. Nhưng chị vẫn một mực kiên trì cho đến lúc thành công. “Để thành công phải chấp nhận thất bại. Bài học thành công lớn nhất chính là thất bại”, chị Minh chia sẻ.

Ban đầu, chị thuê một nhà xưởng rộng 300m2, có 10 nhân công, sản lượng khiêm tốn mỗi ngày chỉ 30 chiếc. Đến nay chị  đã có 2 nhà máy rộng cả chục ngàn mét vuông tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Từ việc chỉ sản xuất nồi cơm điện, Công ty Minh Khoa đã dần dần đa dạng sản phẩm từ quạt, bếp đun, đến bếp từ… với gần 140 mặt hàng.

Tài sản lớn nhất là công nhân

Mặc dù đã là bà chủ của doanh nghiệp có trong 300 công nhân nhưng những ai đã gặp, tiếp xúc với chị Khổng Thị Minh đều nhận xét chị rất gần gũi, thân thiện, không có dáng vẻ gì là “đại gia ngàn tỷ cả”. Công nhân trong xưởng đều yêu mến, kính trọng chị như một người chị, người cô, người bác trong gia đình.  Họ được bà chủ quan tâm, chăm sóc, chia sẻ cả về đời sống vật chất lẫn tình cảm.

Có một thói quen người ngoài ít biết là cho đến tận bây giờ, chị Minh vẫn thường thức dậy từ 5 giờ sáng, đi chợ lựa đồ ăn, chăm chút chuyện nấu nướng từng bữa ăn cho mấy trăm cán bộ công nhân viên của mình. Biết đời sống của anh chị em công nhân còn thiếu thốn, nhiều người quê xa lên thành phố lập nghiệp chưa sắm được nhà, chị Minh đã đầu tư xây nhà trọ miễn phí cho họ.

Chị tâm sự: “Tôi thường nói với các con của mình rằng công nhân là tài sản lớn nhất của mẹ, nhờ có công nhân đồng hành trên con đường kinh doanh thì mẹ mới có được thành quả ngày hôm nay. Vì vậy, mình phải lấy người công nhân làm gốc, hãy yêu thương họ bằng tấm chân tình giữa người làm với người làm, chứ đừng phân biệt đối xử”.

Tôi đã xuống tận nhà máy của chị ở Củ Chi, và rất kinh ngạc khi thấy tại đó chị có đủ thứ khuôn mẫu, đủ loại máy, từ máy ép nhựa cho đến máy dập nồi cơm điện. Chị cho biết đến nay riêng với nồi cơm điện chị đã nội địa hóa được tới 98%, chỉ 2% là nhập linh kiện nước ngoài. Còn với những sản phẩm khác, tỷ lệ nội địa hóa bình quân 80-90%.

“Tôi tự tin là doanh nghiệp Việt nội địa hóa từ 80-90%. Đầu tư máy móc ngành này lớn nhưng lợi nhuận không cao, chỉ từ 5-10%, có sản phẩm chỉ lãi khoảng 3%, nhưng dù lợi nhuận ít, quan trọng là mình làm để nhiều người có công việc", chị Minh cho biết.

Quang Long
.
.
.