Bà lão 10 năm tự nguyện tham gia giữ gìn trật tự giao thông

Chủ Nhật, 13/08/2017, 19:23
Dù nắng hay mưa, sớm hay tối, hễ thấy đường tắc là bà lại đứng ra phân luồng giao thông. Hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Tiến (phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bỏ qua những lời dị nghị của người đời, lặng lẽ "vác tù và hàng tổng". Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, vất vả, nhưng chưa khi nào bà có ý định đánh mất cái tên mà người dân thường gọi "bà giao thông".


Phân luồng giao thông bất kể lúc nào

Lâu nay, việc tắc đường trong những giờ cao điểm đã trở thành quen thuộc với mỗi người dân Hà Nội. Không phải "điểm đen" nào cơ quan chức năng cũng có thể trở tay kịp.

Câu chuyện về người phụ nữ hơn 10 năm tình nguyện đứng ra phân luồng giao thông tại "điểm đen" ngã tư Cống Mọc - Quan Nhân khiến nhiều người nể phục. Bất kể trời mưa hay nắng, sáng sớm hay chiều muộn khi xảy ra ùn tắc giao thông ở đây, bà Tiến lại bỏ hết việc riêng ra hỗ trợ lực lượng chức năng phân luồng giao thông.

Mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh bà Tiến "giao thông".

Chúng tôi đến ngã tư Cống Mọc - Quan Nhân vào đúng những ngày Hà Nội chịu nắng nóng đỉnh điểm. Dòng người hối hả, chen lấn nhích từng bước khó nhọc, tiếng còi xe khiến không khí ở đây trở nên ngột ngạt, căng thẳng. Tiếng hô: "Đi nhanh lên; dừng lại; rẽ trái đi…" của bà Tiến như lạc đi bởi sự vội vã của dòng người.

Muốn gặp được bà Tiến phải chờ qua giờ cao điểm, hoặc chí ít ở ngã tư này không xảy ra ùn tắc giao thông. Gạt mồ hôi, uống cốc nước lạnh, bà Tiến lắc đầu: "Đấy cô chú xem, ngày nào cũng như ngày nào, cứ đến giờ cao điểm ở đây lại kẹt cứng. Tội gì đâu, đường này nhỏ lại nhiều người qua lại, chưa kể người tham gia giao thông vô ý thức".

Bà Tiến bắt đầu câu chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" bằng tiếng thở dài. Bà bảo, những năm gần đây, lượng người tham gia giao thông tăng, khu vực ngã tư Cống Mọc - Quan Nhân vào giờ cao điểm thường xuyên bị tắc. Phần vì đường nhỏ, phần vì ý thức của người tham gia còn kém.

Ngồi bán hàng, quan sát thấy các chiến sĩ CSGT vất vả phân làn nhưng vẫn không xuể, đặc biệt vào những lúc không có lực lượng chức năng thì tình trạng ách tắc càng nặng nề hơn. Không thể làm ngơ, đứng nhìn cảnh ùn ứ, bà Tiến đã quyết định đứng ra điều khiển giao thông.

"Ngồi bán hàng ở ngã tư này, thấy đường tắc nghẽn, người đi đường nhích từng chút, có khi cả tiếng đồng hồ vẫn không đi được, tôi chỉ muốn giúp họ. Thời gian đầu, khi ra phân làn giao thông giữa trời mưa, trời nắng chang chang, nhiều người chỉ chỏ, nói tôi bị điên lo chuyện thiên hạ. Phải đến vài năm sau, mọi người mới thay đổi cái nhìn về tôi. Có người thấy tôi vất vả còn ra trực tiếp giúp đỡ tôi"- Bà Tiến tâm sự.

Dù công việc bán nước khá bận rộn nhưng chốc chốc bà Tiến lại đưa mắt về phía ngã tư quan sát việc đi lại của mọi người. Quán nước chè của bà Tiến đã tồn tại ngót nghét 36 năm, công việc bắt đầu từ 5 giờ 30 phút và kết thúc khoảng 23 giờ 30. Có ngày bà Tiến phải chạy ra ngã tư điều khiển giao thông tới 5- 6 lần.

Những ngày cuối tuần, khi lực lượng chức năng nghỉ, bà Tiến phải chạy ra điều khiển giao thông cả chục lần. Tính sơ sơ, mỗi ngày việc phân luồng giao thông cũng ngốn mất của bà 3 - 4 tiếng.

Bà Tiến nói: "Vào những giờ cao điểm từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 phút; từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30 phút, tình hình giao thông ở đây rất hỗn loạn, nhiều hôm ùn tắc kéo dài. Giá mà mỗi người nhường nhau một chút thì đâu có đến nỗi xảy ra ùn tắc".

Dù không được đào tạo qua trường lớp, chỉ là do tự học, quan sát thực tế nhưng cách bà phân luồng, điều khiển giao thông khiến nhiều người phải nể phục. Ai cũng tấm tắc khen vì độ chuyên nghiệp và nhiệt tình của bà Tiến. Với chiếc gậy sắt tự chế, thoăn thoắt chỉ đường, tiếng bà Tiến vang to rõ ràng: rẽ trái đi nào, rẽ phải, dừng lại… nhanh lên nào!

Với bà Tiến, niềm vui và hạnh phúc là giúp đỡ người khác.

Nhiều hôm còn chưa kịp ăn sáng, ăn trưa thậm chí trời mưa, bà Tiến quên cả mặc áo mưa đã chạy ra điều tiết giao thông như một phản xạ. Chị Lê Thị Thanh (phố Quan Nhân) xúc động nói về bà Tiến: "Thực sự chúng tôi phải biết ơn bà, bao nhiêu năm nay bà đứng ở ngã tư phân luồng giao thông mà không có lấy một đồng thù lao nào. Nhiều khi thấy thương bà Tiến lắm, có tuổi rồi mà vẫn nhiệt tình làm việc tốt cho xã hội. Mỗi khi nhìn thấy bà, nhiều người thấy phải tự giác khi tham gia giao thông qua ngã tư này".

Tôi còn làm khi còn sức

Gần 40 năm mưu sinh nơi ngã tư đông đúc, hơn 10 năm tình nguyện điều khiển giao thông mà không có một đồng thù lao. Thế nhưng những lời cảm ơn, động viên của mọi người là động lực để bà gắn bó với công việc "vác tù và hàng tổng" này.

Nhiều ngày trời nắng như đổ lửa, áo ướt đẫm mồ hôi, nhiều người dừng xe hỏi thăm, động viên, ngỏ ý muốn biếu chút ít tiền để bồi dưỡng nhưng bà đều từ chối. Bà bảo, những lời động viên, những cái bắt tay hoặc ý thức tham gia giao thông mới là món quà quý giá nhất.

Bà Tiến cùng với những tấm gương "Người tốt việc tốt" được thành phố Hà Nội trao tặng bằng khen.

"Mới đây có một nhóm bác sĩ trẻ ở phòng khám trên địa bàn Hà Nội biết việc làm của tôi có đến đây động viên thăm hỏi. Họ có ý muốn mời tôi đến phòng khám để họ khám bệnh miễn phí. Thực sự đó là những kỷ niệm không thể quên với tôi".

Ở ngã tư này, bà Tiến không chỉ được người ta gọi là "bà giao thông" mà còn được người dân gọi với cái tên trìu mến: "Bà hòa giải". Với mật độ giao thông dày đặc, việc va chạm giao thông khó có thể tránh khỏi. Những lần như vậy, bà Tiến lại đứng ra giải quyết, giải hòa bằng tình cảm.

"Khi xảy ra va chạm, hai bên rất dễ xô xát, ẩu đả. Nếu không kịp thời can ngăn, hòa giải có thể hậu quả sẽ rất lớn. Nhiều khi ngồi bán nước, những người từng được tôi hòa giải đi qua lại tạt vào trò chuyện. Dù cuộc sống của tôi còn vất vả lắm nhưng nhìn mọi người vui vẻ đi lại là tôi thấy rất vui. Tâm lý mình như thoải mái hơn khi được san sẻ, giúp đỡ những người xung quanh" - Bà Tiến tâm sự.

Những người sống quanh ngã tư này quá quen thuộc với người phụ nữ có nụ cười hiền hậu, giọng nói lạc quan nhưng chẳng mấy ai biết đằng sau đó vẫn còn bao lo toan cuộc sống, gáng nặng mưu sinh.

Nhắc đến cuộc sống hiện tại, bà Tiến rưng rưng: "Tôi luôn cố gắng sống thật vui, thật lạc quan để vượt qua những vất vả của cuộc sống. Tôi chỉ sợ mình bị ốm, sợ mình phải nghỉ bán nước dù chỉ một ngày thôi. Tôi mà không đi bán nước một ngày, là con tôi không có tiền đi học, chồng không có tiền chữa bệnh".

Bà còn nhớ, mấy tháng trước khi thành phố ra quân chỉnh trang văn minh đô thị, gánh hàng nước của bà Tiến cũng bị dẹp theo. Nhưng ông trời cũng không triệt đường sống của bà, ông chủ của một nhà hàng gần đó đã cho bà mượn một góc nhỏ để kinh doanh.

"Mọi người ở đây đối xử với tôi tốt lắm. Có lẽ họ hiểu được hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn. Nhiều lúc có người đến ngỏ ý xin hỗ trợ tôi tiền để trang trải cuộc sống nhưng tôi đều từ chối" - bà Tiến tâm sự.

Sinh ra ở một xã nghèo thuộc huyện Đan Phượng, lập gia đình sớm nhưng cuộc sống của bà Tiến chưa được một ngày nhàn hạ. Bao khó khăn của cuộc sống đè lên vai mình bà khi người chồng thường xuyên ốm đau, bệnh tật.

Dù nắng hay mưa, bà Tiến luôn sẵn sàng đứng phân luồng tại ngã tư Quan Nhân - Cống Mọc.

Ánh mắt thoáng buồn, bà bảo: "Tôi có hai cháu gái. Cháu lớn đi lấy chồng rồi nên tôi cũng bớt vất vả hơn. Tiền bán nước cũng chỉ đủ ăn và nuôi cháu thứ hai đang học đại học. Thời gian gần đây, bệnh phổi của ông nhà tôi nặng hơn, phải nằm viện suốt, tiền bán nước chẳng đủ tiền chữa trị nên tôi cũng phải đi vay mượn, cầm cố thêm".

Chồng bệnh tật là thế, bản thân bà cũng đang gánh bệnh trong người. Cách đây 2 năm, trong một lần đi khám bệnh, bà Tiến bàng hoàng khi nhận được thông báo của bác sĩ.

Trong đầu bà đang có một khối u, cần phải phẫu thuật ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Dù biết nguy hiểm nhưng bà không định chữa chạy, đơn giản vì tiền bán nước cũng chỉ đủ cho con ăn học và lo chữa bệnh cho chồng.

Nhưng rồi bà được chồng con động viên, rồi đại diện bên phường cũng xuống thăm hỏi nên bà mới quyết định đi chữa trị. Khi vết mổ vừa liền, bà Tiến lại cùng chiếc gậy sắt quen thuộc, ra đứng đường điều khiển giao thông.

Đưa tấm bằng khen của thành phố Hà Nội, tặng thưởng "gương tiên tiến điển hình - gương người tốt việc tốt" cho chúng tôi xem, bà Tiến hạnh phúc chia sẻ: "Thời gian nằm ở viện chữa bệnh mà lòng tôi như lửa đốt, được làm việc thiện là lòng tôi thấy thoải mái và khỏe hẳn ra. Tôi sẽ còn ra điều khiển giao thông khi nào còn sức".

Trời đã nhá nhem tối, khi dòng người ngày một đông hơn, tiếng hô quen thuộc của bà Tiến: "Dừng lại; nhanh lên nào; rẽ trái đi, rẽ phải nào..." lại hòa cùng tiếng còi xe inh ỏi. Hơn 10 năm nay, hình ảnh ấy, tiếng nói ấy trở nên rất đỗi thân quen.

Quang Anh - Ngọc Anh
.
.
.