Dẹp trạm thu phí bằng cách Nhà nước mua lại các tuyến BOT

Chủ Nhật, 31/05/2015, 02:50
“Chặt khúc” quốc lộ để đạt trạm thu phí nhan nhả khiến người dân phải chịu cảnh “phí chồng phí” là vấn đề nóng trên báo chí và diễn đàn Quốc hội tuần qua. Báo CAND có cuộc trao đổi vấn đề này với đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) và đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu).

Đại biểu Trần Du Lịch: BOT chia quá nhiều!

PV: Sắp tới cả nước triển khai tới 96 trạm thu phí BOT là quá nhiều, nạn “phí chồng phí” lại càng nghiêm trọng, thưa ông? 

Chúng ta phải hướng tới mục tiêu các đường giao thông huyết mạch, độc đạo, do Nhà nước đầu tư thì người dân được đi mà không phải trả phí. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay Nhà nước chưa đầu tư được, phải để BOT tham gia. Hiện nay BOT chia quá nhiều, thành ra người dân bức xúc, bởi vì họ nghĩ rằng họ đã đóng phí đường bộ, thu trên đầu phương tiện cơ giới rồi, lại phải “cõng” thêm bao nhiêu cái BOT nữa thì chịu không nổi...

PV: Nhưng người dân tham gia giao thông thì theo nguyên tắc phải đóng phí bảo trì đường bộ chung cho tất cả các loại đường chứ làm sao phân biệt “bảo trì đường ngân sách” với “bảo trì đường BOT”?

Nếu chúng ta làm đường cao tốc thì dĩ nhiên phải trả tiền, theo nguyên tắc “tôi muốn tiện nghi, đi tốt, đi nhanh, tôi phải trả tiền thì tôi mới có đường đi”. Bộ Giao thông Vận tải cũng không phải tự nhiên lập ra các trạm thu phí BOT, những trạm mà ngân sách Nhà nước đầu tư thì phải dẹp hết, quan điểm đó đã xác định rõ rồi. Ví dụ như đường Thăng Long – Nội Bài trước đây cứ thu phí hoài, đường làm bằng ngân sách Nhà nước tại sao thu phí, thì phải dẹp đi.

Đại biểu Trần Du Lịch.

PV: Bài toán phí chồng phí thực ra nói lâu rồi, nhiều kỳ đại biểu Quốc hội cũng đưa ra nhưng tới nay không những không dẹp được mà lại tăng lên. Trách nhiệm này cần đặt ra thế nào?

Thật sự phải hiểu thế này, người ta khi đóng tiền phí sử dụng giao thông đường bộ trên đầu phương tiện cơ giới thì người ta nghĩ là đã đóng rồi, nhưng thực ra có rất nhiều tuyến đường chúng ta chưa làm được thì phải dùng BOT, cái này là đúng quy định. Ví dụ như đèo Hải Vân sử dụng vốn ngân sách, đã thu phí giao thông đường bộ rồi thì không thu nữa, đoạn nào tư nhân làm tiếp thì đoạn đó cho họ thu. Còn quan điểm của tôi là sắp tới khi ngân sách khá lên, Nhà nước nên mua lại những đoạn mà BOT tư nhân trên các quốc lộ, đường huyết mạch để người dân không phải trả phí. Tất nhiên, có những dự án không có BOT chúng ta không làm được, thì có thể đi theo hướng Nhà nước bỏ một phần nhưng tư nhân được thu tất cả, chứ để tư nhân bỏ hoàn toàn thì thời gian thu hồi quá lâu và phí quá cao…

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

ĐBQH Bùi Đức Thụ (Lai Châu): Phải xem lại quy định 70km một trạm phí

PV: Tại cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lý giải, việc đặt các trạm thu phí cách nhau dưới 70km vẫn đúng quy định. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Trên thực tế nếu thực hiện đúng quy định sẽ dẫn đến một số bất cập, sẽ có những trạm thu phí rơi vào những trung tâm thị trấn, thị xã, điều này sẽ gây cản trở, ách tắc giao thông. Vì vậy tôi cho rằng cũng cần phải bố trí vị trí của từng trạm vừa đảm bảo quy định pháp luật về khoảng cách, đồng thời cũng ở vị trí hợp lý. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị vẫn phải rà soát lại để thực hiện, còn trong trường hợp phải giữ được khoảng cách mà rơi vào thị trấn, thị tứ thì có thể điều chỉnh hơn 70km một chút đặt trạm thì vẫn là phù hợp.

Đại biểu Bùi Đức Thụ.

PV: Còn đối với một số tuyến đường chưa thi công xong đã tổ chức thu phí thì sao, thưa ông?

Về nguyên tắc, khi đường giao thông hoàn thành mới được tiến hành thu phí theo hợp đồng. Nhưng trên thực tế nếu có đường giao thông nào đó chưa hoàn thành mà vẫn muốn thu phí thì phải xem xét cụ thể mức độ hoàn thành. Trong trường hợp tuyến đường đang trồng cây, lắp đèn chiếu sáng, không ảnh hưởng lớn đến lưu thông thì chấp nhận được, còn trong trường hợp nền đường chưa thông xe, chưa đảm bảo an toàn giao thông mà đã thu phí thì tôi cho điều đó là chưa phù hợp, cần phải xem xét.

PV: Về tình trạng bố trí các trạm thu phí không đúng khoảng cách, Bộ Giao thông Vận tải lý giải đã có thoả thuận với địa phương. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề đó?

Trong trường hợp bố trí khoảng cách giữa 2 trạm thu phí không đủ 70km, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cùng thống nhất với nhau bàn với địa phương đặt trạm đó, về mặt pháp lý là phù hợp với quy định của Chính phủ. Nhưng tôi cho rằng, việc thu phí ảnh hưởng đến nghĩa vụ của người dân trong việc trả phí giao thông, nên các cơ quan cần sớm tổng kết việc thực hiện này và ban hành quy định phù hợp hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng việc bố trí các trạm BOT không đủ 70km như vậy là “chặt khúc quốc lộ” để bán, để thu tiền?

Thứ nhất, việc “chặt khúc quốc lộ” để “bán” là chưa chuẩn xác, vì việc thu phí của chúng ta đối với nguồn vốn do ngân sách, trái phiếu Chính phủ đầu tư thì thu thông qua đầu phương tiện giao thông. Đối với các dự án BOT thực hiện chủ trương xã hội hoá trong xây dựng cơ sở hạ tầng thì thu phí để hoàn vốn đầu tư của nhà thầu và có định mức lợi nhuận hợp lý. Do vậy, việc chỗ nào được quyền thu phí, chỗ nào không được quyền thu phí đã rõ, chứ không phải quốc lộ chúng ta đang đi bất kể có nguồn vốn từ đâu Bộ Giao thông Vận tải cũng “chặt khúc” ra để đặt trạm thu phí.

Về mặt khoảng cách, việc triển khai của Bộ Giao thông Vận tải như vừa qua là phù hợp quy định của Chính phủ, vì họ đã được liên bộ chấp thuận và được địa phương đồng ý. Nhưng quy định này có thực sự phù hợp và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân hay không thì tôi cũng đề nghị phải sớm tổng kết. Đồng thời sớm triển khai ban hành một quy định sửa đổi quy định đó, hoàn thiện hơn, phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn. Và nếu cần có thể ban hành một hình thức pháp lý ở một văn bản pháp luật cao hơn.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Quỳnh Vinh
.
.
.