Dấu ấn một năm tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Thứ Hai, 05/01/2015, 08:19
LTS: Sau một năm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), với các đóng góp tích cực, Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao vào công việc chung của Hội đồng. 

Thành quả này là minh chứng sinh động phản bác những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách thông qua chiêu bài nhân quyền để vu khống, bôi nhọ hòng hạ uy tín, vị thế và gây sức ép đối với Việt Nam.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc về dấu ấn của Việt Nam sau một năm giữ vai trò, vị trí mới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc

"Năm đầu tiên của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã khép lại với nhiều kết quả khả quan và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Tháng 3/2014, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, lần đầu tiên tham gia phiên họp cấp cao của Hội đồng Nhân quyền trên cương vị thành viên.

Chỉ trong một năm, chúng ta đã tham gia hàng trăm cuộc họp chính thức, hàng trăm cuộc tham vấn ở Hội đồng Nhân quyền; thương lượng, bỏ phiếu gần 200 nghị quyết, quyết định liên quan đến các khía cạnh khác nhau của quyền con người.

Dù là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, song chúng ta đã luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong các công việc chung của Hội đồng, đóng góp tích cực trên các lĩnh vực thuộc quan tâm của các nước đang phát triển như việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, vấn đề lương thực, sức khỏe, nước sạch…

Thời điểm chúng ta bắt đầu nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng là lúc Việt Nam chuẩn bị báo cáo trước Hội đồng theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ hai (tháng 2/2014).

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, chúng ta đã giúp cộng đồng quốc tế nhìn thấy một Việt Nam luôn nghiêm túc trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, luôn lắng nghe, tiếp thu đóng góp của bạn bè quốc tế, và luôn nỗ lực hết mình để người dân Việt Nam được hưởng ngày càng tốt hơn các khía cạnh của quyền con người.

Không chỉ ở Hội đồng Nhân quyền, sự chủ động của chúng ta còn được thể hiện trong các diễn đàn khác có liên quan đến quyền con người, như ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Địa vị phụ nữ (thuộc Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc), Tổ chức Lao động quốc tế…

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực trong Cơ quan nhân quyền quốc gia ASEAN (AICHR), chủ trì tổ chức một hội thảo của AICHR tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), lần đầu tiên, chúng ta đã đăng cai hội thảo không chính thức về quyền con người, tập trung thảo luận về chủ đề "Doanh nghiệp và quyền con người" nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của các công ty đối với việc bảo đảm quyền của người lao động.

Thông qua các hoạt động và đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương liên quan đến quyền con người, chúng ta không những góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong con mắt bạn bè quốc tế, mà còn tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, vấn đề giáo dục, y tế, bình đẳng giới, lao động, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo...

Cùng với kênh đa phương, kênh đối thoại song phương về quyền con người tiếp tục được triển khai hiệu quả, trong đó có Đối thoại với Mỹ, Australia, Thụy Sỹ.

Cho dù vẫn có những khác biệt, song các cuộc đối thoại đều diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, qua đó giúp tăng cường hiểu biết và hỗ trợ quá trình xây dựng niềm tin giữa Việt Nam và các đối tác. Cũng chính nhờ đó, quan hệ song phương với các đối tác, trong đó có những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, được cải thiện và đạt nhiều bước phát triển mới.

Vị thế ngày càng tăng của đất nước đã và đang mang lại nhiều thuận lợi cho chúng ta trong triển khai các hoạt động đối ngoại về quyền con người.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, vai trò ngày càng tăng của chúng ta trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, quan hệ sâu rộng giữa Việt Nam với các đối tác, các tổ chức quốc tế chính là nền tảng để chúng ta tham gia một cách chủ động, tích cực, thực chất và có hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, cũng như trong các cuộc đối thoại, tiếp xúc liên quan đến quyền con người.

 Bên cạnh đó, các thành quả đối ngoại về quyền con người có được là do nỗ lực mạnh mẽ của chúng ta trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, cũng như kết quả triển khai trên thực tế.

Năm 2014 là năm đầu tiên chúng ta triển khai Hiến pháp 2013 với một chương riêng về quyền con người. Năm 2014 cũng đánh một dấu mốc quan trọng trong việc tham gia và thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, khi Quốc hội phê chuẩn việc tham gia Công ước chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật, và đoàn Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (tháng 11/2014).

Quan trọng hơn, bất chấp những khó khăn khách quan về kinh tế - xã hội, chúng ta vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng về bảo đảm quyền của người dân Việt Nam trên mọi khía cạnh, từ xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đến nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

Có lẽ chưa bao giờ sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân lại sôi nổi và đa dạng như hiện nay. Bạn bè, đối tác của chúng ta chắc chắn đều ấn tượng với những hình ảnh về Đại lễ Phật đản - Vesak Liên Hợp Quốc, ngày Thiên Chúa giáng sinh, cũng như các ngày lễ hội truyền thống trên khắp các vùng miền trên cả nước.

Họ chắc chắn cũng sẽ ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của Internet ở Việt Nam, về sự tham gia và phản biện ngày càng tích cực của người dân trong quá trình ra quyết sách về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Từ những thành quả của năm 2014, bước vào năm 2015, không ít nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại về quyền con người. Thứ nhất, chúng ta phải phát huy tích cực hơn nữa sự tham gia trong các cơ chế đa phương liên quan đến quyền con người, đặc biệt với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền.

Chúng ta cần có những sáng kiến cụ thể phản ánh được quan tâm, lợi ích của Việt Nam và thúc đẩy những sáng kiến đó trong khuôn khổ Hội đồng và các thể chế đa phương khác.

Thứ hai, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đối ngoại về quyền con người, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam, về chính sách và nỗ lực của chúng ta trong việc bảo đảm quyền con người, qua đó nâng cao hình ảnh của đất nước.

Thứ ba, do vấn đề quyền con người đang ngày càng được mở rộng và liên quan đến nhiều khía cạnh, nhiều chủ thể khác nhau, công tác đối ngoại về quyền con người sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều cơ quan, ban, ngành, đồng thời phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao nhận thức về quyền con người trong người dân và toàn xã hội.

Phát huy những thành quả của năm 2014, với vị thế hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng năm 2015, công tác đối ngoại về quyền con người sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung trong việc không ngừng cải thiện quyền của người dân Việt Nam, cũng như khẳng định hình ảnh Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".

Hà Kim Ngọc (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao)
.
.
.