Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới - sự sáng tạo xuất phát từ thực tiễn

Thứ Ba, 03/02/2015, 22:15
Trong những thành tựu to lớn của Đảng, công cuộc đổi mới với nền tảng xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là quá trình tìm tòi, khảo nghiệm và thực hiện không có tiền lệ trên thế giới.

Chúng ta thực hiện xây dựng, kiến thiết đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh vô cùng thử thách, khi mà thành trì của chủ nghĩa xã hội đã thoái trào với sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch ra sức chống phá, cùng với đó là tác động hai mặt của quá trình mở cửa, hội nhập. Con đường từ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn thấp kém, lạc hậu, lại chịu tàn phá nặng nề sau chiến tranh như ở Việt Nam là con đường hoàn toàn mới, con đường chưa hề có sự khai phá nào trong lịch sử. Đi trên con đường đó là thử thách vô cùng lớn đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Nhưng, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc quan điểm cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể. Vì vậy, trong lãnh đạo, Đảng ta luôn ý thức vận dụng một cách độc lập, sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam. Một trong những bài học sâu sắc được Đảng ta rút ra là phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tế, kết hợp nhuần nhuyễn sự kiên định về nguyên tắc với sự linh hoạt, sáng tạo về phương pháp, đó là điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Chính trong thử thách, Đảng kiên định nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, căn cứ đặc thù kinh tế, xã hội và con người Việt Nam, căn cứ bối cảnh quốc tế hóa nền kinh tế và dòng chảy hội nhập để Đảng tiếp tục củng cố, bổ sung những vấn đề mới về lý luận, vừa vận dụng vào thực tiễn, vừa rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, tại các kỳ đại hội, Đảng đều tổng kết cả lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm đổi mới để bổ sung, hoạch định chiến lược, sách lược giai đoạn tiếp theo.

Đầu tháng 1-2015, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa XI), Trung ương tiếp tục thảo luận, làm rõ vấn đề này. Đánh giá về kết quả của 30 năm đổi mới (1986-2016) cũng như 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011-2015), Trung ương yêu cầu phải với tinh thần thực sự khách quan, cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, không phiến diện, cực đoan. Thấy rõ 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Thảo luận tại Hội nghị, Trung ương Đảng nhận thấy, cần tiếp tục bám sát thực tiễn, đi sâu nghiên cứu, tổng kết lý luận, thảo luận, tạo sự thống nhất cao hơn về một số vấn đề mới và khó như: Khái niệm và đặc trưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế nước ta hiện nay; mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế cần xây dựng, hướng tới; tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện Việt Nam; nhận thức và phát huy các động lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Hiện nay, nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập, một giai đoạn của quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc với đặc điểm nổi bật của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Bối cảnh quốc tế và thực tiễn cách mạng nước ta đòi hỏi Đảng ta phải giữ vững định hướng, đồng thời bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Với tinh thần đó, Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006) đã quyết định phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới (bổ sung phát triển năm 2011). Đến Đại hội XI của Đảng cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề, hiện trạng của nước ta hiện nay.

Cơ sở hạ tầng là một trong những trở ngại lớn nhất của phát triển kinh tế tại Việt Nam. Chất lượng tăng trưởng thấp thể hiện qua chỉ số ICOR cao, cơ cấu trong nền kinh tế thiếu tính bền vững và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tâm lý thỏa mãn với những kết quả đạt được bước đầu trong công cuộc đổi mới (thoát khỏi nhóm các nước nghèo) là nguy cơ Việt Nam mắc phải bẫy thu nhập trung bình mà rất nhiều quốc gia khác mắc phải. Bên cạnh đó, tệ tham nhũng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Vì vậy chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn thấp và chưa đạt được độ bền vững. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, do ảnh hưởng đà suy thoái kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại, không đạt mức 7-7,5% so với chỉ tiêu Đại hội XI đề ra. Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tính hiệu quả của kinh tế thấp, đồng thời, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Vì vậy, Nghị quyết TW 3 khóa XI đã tập trung vào vấn đề tái cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế nhà nước.

Quá độ đi lên CNXH là quá trình tìm tòi, khảo nghiệm lâu dài, điều cốt yếu là cần phát huy việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo Cương lĩnh của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng để Cương lĩnh của Đảng thực sự là ngọn cờ chiến đấu của Đảng ta, đảm bảo những thành quả vững chắc.

TS Nguyễn Thị Thành
.
.
.