Đảng coi trọng giáo dục và nêu gương đạo đức cách mạng
Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc đặt lên trước hết tư cách một người cách mệnh với 23 điều. Tự mình rèn luyện đặt ra nhiều nội dung lớn, đặc biệt là: cần kiệm, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất… Đối với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm. Với công việc phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể. Đó thực sự là tuyên ngôn về đạo đức cách mạng và cũng là yêu cầu đặt ra về đạo đức đối với Đảng và mỗi người cách mạng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.
Đạo đức cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh tụ Hồ Chí Minh rèn luyện và được khẳng định trên những điều cơ bản.
Một là, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của đồng bào.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội càng đòi hỏi Đảng phải coi trọng việc giáo dục, rèn luyện lý tưởng vì nước, vì dân.
Chú trọng chuẩn mực, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đối với mọi cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức ở tất cả các cấp, các lĩnh vực công tác. Đảng cần phòng ngừa những biểu hiện chạy theo chức quyền, đặc quyền, đặc lợi, phai nhạt lý tưởng, tham muốn vật chất, hưởng thụ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp như Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (1-2012) đã chỉ ra là một thực tế. Tình trạng đó đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Hai là, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Cần có sự phân biệt chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân chính đáng. Lợi ích cá nhân chính đáng thuộc về quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ, không chế độ nào tôn trọng và chăm lo tới lợi ích chính đáng của con người như chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình loại bỏ những mặt tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, đồng thời bảo vệ và quan tâm tới lợi ích chính đáng của cá nhân, làm cho nhân cách con người phát triển toàn diện, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân chính đáng và lợi ích của tập thể.
Để phòng ngừa chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên tự mình rèn luyện theo chuẩn mực: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đồng thời các tổ chức đảng phải thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên theo chuẩn mực ấy.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chỉ rõ những biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Những biểu hiện đó, có nguyên nhân từ tác động khách quan, nhưng chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan: cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân...Việc chỉnh đốn Đảng, sửa chữa khuyết điểm phải bắt đầu từ những vấn đề đó.
Ba là, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm.
Thực tiễn cho thấy, mọi hành động, việc làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên có sức cảm hóa, thuyết phục để tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân vào trận tuyến đấu tranh. Trong cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến, chính sự hy sinh xương máu của những người cộng sản là tấm gương sáng để quần chúng đi vào hành động cách mạng và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản luôn luôn có mặt ở những nơi, những lĩnh vực khó khăn để tổ chức nhân dân xây dựng lại đất nước, đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn cùng nhân dân.
Trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn giữ được tính tiền phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân, làm tròn vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo. Nhưng vẫn có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp không nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, nói không đi đôi với làm. Nhắc nhở thực hành tiết kiệm nhưng bản thân lại lãng phí. Chống quan liêu nhưng cán bộ lại sợ đi thực tế tiếp xúc với nhân dân... Những biểu hiện đó đã tổn hại đến uy tín của Đảng, trái với bản chất cách mạng và mục tiêu của Đảng là vì nước, vì dân. Cần nhận rõ rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là cơ hội để các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phá hoại Đảng, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang cách mạng bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội vì cuộc sống bình yên của nhân dân càng phải thấm nhuần đạo đức cách mạng nhằm xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh toàn diện. Đáp ứng yêu cầu đó, lực lượng Công an cần không ngừng học tập, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mạng. Ra sức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Chỉ có như thế, lực lượng Công an nhân dân mới giữ vững vai trò nòng cốt và xung kích trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và các thế lực thù địch, đồng thời chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị và toàn xã hội đang đặt ra.