Đảm bảo hiệu quả các chương trình, dự án ODA do Bộ Công an quản lý và thực hiện

Thứ Sáu, 30/10/2015, 08:14
Kể từ khi chính thức nối lại quan hệ với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế vào tháng 11/1993, tới nay, tổng vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã đạt 85 tỉ USD, trong đó, giá trị các điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã ký kết đạt 78 tỉ USD.

Trong số vốn này, tính tới nay, Bộ Công an đã tiếp nhận và thực hiện 29 chương trình, dự án ODA với tổng số vốn đạt khoảng 156,7 triệu USD (ODA vốn vay: 133,7 triệu USD và ODA viện trợ không hoàn lại khoảng 23 triệu USD).

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, mặc dù khối lượng ODA tiếp nhận còn ở mức khiêm tốn, nhưng Cục Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất khai thác và phân bổ nguồn vốn này, giúp các chương trình, dự án ODA do Bộ Công an quản lý và thực hiện trong thời gian qua hoạt động hiệu quả.

Những kết quả tích cực

Tháng 10/2005, Cục Kế hoạch và Đầu tư được thành lập với nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ Công an quản lý, điều hành về công tác kế hoạch và đầu tư. Từ đó tới nay, việc sử dụng nguồn vốn ODA của Bộ Công an đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Lãnh đạo các Cục H43 và Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cùng đại diện Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) trao đổi đẩy mạnh hợp tác.

Trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH), với tổng giá trị vào khoảng 100 triệu USD, các chương trình, dự án ODA đã giúp tăng cường năng lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH của Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, cung cấp các trang thiết bị, phương tiện hiện đại, phù hợp với điều kiện sử dụng của Việt Nam. Từ đó, giúp lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đóng góp tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Trên lĩnh vực y tế CAND, sự hỗ trợ của ODA đối với lĩnh vực này trong thời gian qua đã góp phần vào những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) liên quan tới y tế. Trên mặt trận phòng, chống buôn bán người – lĩnh vực ưu tiên thu hút và sử dụng ODA trong thời gian qua cũng như trên mặt trận phòng, chống buôn bán ma túy, Bộ Công an đã góp phần tăng cường nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mua bán người, giảm số lượng người nghiện ma túy, giảm tội phạm về ma túy.

Trong lĩnh vực quản lý dân cư, nguồn vốn ODA từ chính phủ Hungary với tổng mức đầu tư là hơn 12 triệu USD đã hỗ trợ rất nhiều cho các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an trong việc quản lý dân cư và địa bàn cư trú, thu nhập các thông tin của công dân (mã số thuế cá nhân, thẻ bảo hiểm y tế…) do các cơ quan, tổ chức cung cấp để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, với nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, Cục Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, giúp công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của Bộ Công an đạt nhiều kết quả tích cực khác như: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tăng cường trang thiết bị nghiệp vụ tiên tiến, hiện đại cho các lực lượng Công an; tăng cường năng lực cho cán bộ, chiến sĩ Công an thông qua đào tạo trong nước và ngoài nước, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm tiên tiến về quản lý, sử dụng và sản xuất các trang thiết bị, đảm bảo cho các lực lượng Công an.

Định hướng thu hút và sử dụng ODA trong thời gian tới

Để thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển của ngành Công an, trong thời kỳ từ nay tới 2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển của Bộ Công an dự kiến vào khoảng 70 – 80 nghìn tỉ đồng (khoảng 3,8 tỉ USD). Tổng số vốn này dự kiến bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động từ các nguồn viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn xã hội hóa khác từ khu vực tư nhân.

Trong số vốn này, Bộ Công an dự kiến sẽ huy động khoảng 200 triệu USD từ nguồn vốn ODA để tăng cường trang bị phương tiện, khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng lực phục vụ dân sinh. Cục Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu và đưa ra một số định hướng thu hút và sử dụng ODA trong thời gian tới. Về chính sách, bên cạnh việc huy động vốn ODA vào những lĩnh vực truyền thống, Bộ Công an đồng thời mở ra các lĩnh vực hợp tác mới trên cơ sở nhu cầu thực tiễn như giáo dục dạy nghề (dạy nghề cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng), xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý dân cư, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên, phòng chống khủng bố…

Bên cạnh đó, Bộ Công an chủ trương duy trì, củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác với các nhà tài trợ đã cung cấp ODA cho Bộ trong thời gian qua, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà tài trợ khác quan tâm. Về định hướng theo ngành, lĩnh vực, trong thời gian tới, Bộ Công an ưu tiên sử dụng vốn ODA cho các lĩnh vực PCCC và CHCN, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, y tế, giáo dục dạy nghề, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp sau, trong đó làm tốt công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu để đề xuất kế hoạch thu hút đầu tư đối với ODA đúng với quy hoạch phát triển; thu hút nguồn vốn ODA cho những mục tiêu trọng điểm, cấp bách, giải quyết những vấn đề mang tính xã hội, cộng đồng; tăng cường cán bộ quản lý các dự án ODA của Bộ Công an để đảm bảo hiệu quả từ khâu vận động, tiếp cận, thực hiện, quản lý sử dụng, vận hành các dự án.

Ngoài ra, tổ chức tổng kết công tác vận động và thực hiện các dự án ODA trong những năm vừa qua, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của Bộ Công an để có phương hướng thực hiện giai đoạn sau này đảm bảo hiệu quả hơn.

Khổng Hà – Vũ Linh
.
.
.