Sạt lở An Giang:

20.000 người dân ở An Giang cần di dời khẩn cấp vì sạt lở

Thứ Năm, 14/06/2018, 15:26

Ngày 14-6, tỉnh An Giang tổ chức cuộc họp bàn giải pháp ứng phó sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, hiện toàn tỉnh có 51 đoạn sạt lở bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 162km, làm ảnh hưởng đến 20.000 hộ dân, với hơn 5.300 hộ cần di dời khẩn cấp.


Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm... Trái với sự “khắc nghiệt” và “khẩn cấp” của thiên tai, công tác ứng phó của các cơ quan ban ngành, địa phương đang tồn tại nhiều hạn chế. 

Đặc biệt là công tác xử lý khi xảy ra sạt lở còn nhiều lúng túng. Trong quá trình thực hiện thiết kế và tổ chức thi công các công trình ứng phó còn bất cập...

Hiện trường vụ sạt lở ở Vàm Nao (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Một số địa phương còn làm theo kiểu “đau đâu trị đó” khi thiếu tham khảo ý kiến chuyên ngành để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như sự thích ứng chung. Hậu quả là giải pháp thiết kế không phù hợp, tốn kém, lãng phí...

Tại cuộc họp, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan cần sớm chấm dứt tình trạng xử lý sạt lở theo kiểu “đau đâu trị đó”. Từ nay, việc xử lý sạt lở phải có bài bản để đảm bảo việc xử lý căn cơ. 

Khẩn trương thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp” từ tỉnh đến cấp huyện với đủ các thành phần chuyên môn làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tại chỗ, cũng như thông tin hai chiều đến cơ quan, ban ngành cần thiết để có giải pháp xử lý hợp lý nhất trong ứng phó từng vụ sạt lở theo cơ chế “4 tại chỗ, an toàn, ổn định và hiệu quả cao”. 

Ngành chức năng tỉnh An Giang cho rằng, xử lý sạt lở phải có căn cơ, tránh tình trạng "đau đâu trị đó".

Theo đó, với những vụ sạt lở phức tạp, có thể tham mưu, thuê tư vấn đáp ứng nhu cầu công việc, để đưa ra đề xuất hợp lý, khả thi, chứ không nhất thiết phải sử dụng tư vấn tại chỗ như cách làm lâu nay. 

Tuy nhiên, công tác phòng chống sạt lở cần được chú trọng. Cụ thể, dân cư, giao thông đang phát triển, trong khi đó công tác cảnh báo chưa đáp ứng được sự phát triển này chính là một trong những nguyên nhân khiến tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở An Giang tăng cao. 

Vì vậy, hiệu quả nhất là phải phòng chống từ xa thông qua việc thông báo, cảnh báo và cương quyết hạn chế tình trạng lấn chiếm, tác động tiêu cực đến bờ sông, kênh, rạch…

Trần Lĩnh
.
.
.