Gia tăng các vụ bắt cóc con tin do tình huống bột phát:

Xử lý bắt cóc con tin và trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng

Chủ Nhật, 05/10/2014, 09:30
Trong quý III-2014, theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an, nổi lên tình trạng bắt cóc, khống chế con tin với các tình huống bột phát. Gây ra các vụ việc này không phải là các đối tượng hay băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp nhằm mục đích bắt cóc, tống tiền.

Có thể, đó là một anh bảo vệ bất mãn việc làm, đang nợ nần có ý định cướp tiền của một bà nội trợ vì không còn cả tiền để đi xe buýt, một nhân viên viễn thông đang thất tình… nhưng rơi vào những tình huống bột phát, tâm lý bị kích động, các đối tượng xoay sang bắt cóc, khống chế con tin, gây hoảng loạn tinh thần cho nạn nhân và những người xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Giải quyết các tình huống này như thế nào để có hiệu quả? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện rất cởi mở với Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an.

Phóng viên: Theo báo cáo, trong quý III đã nổi lên tình trạng bắt cóc con tin do các tình huống bột phát. Thiếu tướng đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Trong số các vụ bắt cóc con tin xảy ra, có nhiều vụ có nguyên nhân từ mâu thuẫn xã hội. Điển hình như vụ bắt cóc, khống chế con tin của đối tượng Nguyễn Hữu Quang ở TP Huế. Vì bị gia đình người yêu ngăn cấm, bị người yêu chia tay nên Quang đã bức xúc xông vào nhà người yêu, dùng dao khống chế cô gái này. Một số vụ khác thì lúc khởi điểm là một vụ án khác, như trộm cắp, cướp tài sản. Thế nhưng, khi bị phát hiện, hay dồn đuổi, đối tượng đã quay sang khống chế các con tin để tìm đường thoát.

Như vụ đối tượng Nguyễn Tiến Giáp ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), khi đi cướp bị người dân truy đuổi đã tìm cách khống chế một cháu bé 15 tuổi để tìm cách chạy trốn. Thủ đoạn hơn là đối tượng Trần Thanh Bình bắt cóc con tin ở Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). Lúc đầu, Bình có mục đích cướp tài sản, nhưng khi bị phát hiện quay sang bắt giữ, khống chế con tin, giả vờ đòi gặp vợ con để mọi người tưởng mình là… thần kinh, chứ không phải cướp tài sản.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội (bìa trái) thuyết phục thành công đối tượng bắt cóc con tin tại quận Thanh Xuân.

Mỗi vụ việc bắt cóc, khống chế con tin kiểu này xảy ra đều gây chấn động dư luận, hàng chục, hàng trăm CBCS Công an phải huy động tham gia để giải cứu con tin. Tuy nhiên, vì không phải các đối tượng tội phạm chuyên nghiệp với mục đích chính là bắt cóc để đòi tiền chuộc nên việc khống chế con tin của các đối tượng cũng không manh động lắm.

Phóng viên: Những vụ việc xảy ra như thế này luôn thu hút được sự chú ý của dư luận, rất đông người dân tụ tập để theo dõi việc cơ quan Công an giải cứu con tin. Theo Thiếu tướng, việc này gây ảnh hưởng như thế nào đối với vụ việc và phương án giải quyết của cơ quan Công an?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Đối với các vụ việc như thế này, nhất thiết và cần làm trước hết là giải tán đám đông. Bởi khi người dân tụ tập đông, nhất là lại có những biểu hiện, lời nói kích động đối tượng thì càng khiến đối tượng bị ảnh hưởng tâm lý, chống trả quyết liệt hơn. Khi đối tượng bị kích động tinh thần, ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra với con tin khi tính mạng của họ đang ở trong tay đối tượng? Hơn nữa, các con tin bị khống chế lại thường là người già, phụ nữ hay trẻ em, ít có khả năng tự giải thoát cho mình. Thực tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chúng ta đã có những bài học về việc đám đông tụ tập gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giải quyết các vụ bắt cóc, khống chế con tin như vụ ở Bắc Giang trước đây.

Khi giải tán được đám đông sẽ bước đầu “hạ nhiệt” được cái đầu nóng của tên tội phạm đang bắt cóc, khống chế con tin, tâm lý của đối tượng sẽ ổn định hơn, chúng sẽ bớt những việc làm manh động. Lực lượng Công an có điều kiện triển khai các biện pháp nghiệp vụ của mình, kể cả việc thuyết phục con tin cũng đơn giản hơn vì tâm lý của đối tượng đã ổn định, không bị kích động.

Phóng viên: Theo Thiếu tướng, trong các vụ bắt cóc con tin như thế này, biện pháp giải quyết nào là hiệu quả nhất? Sự xuất hiện của những người chỉ huy cao nhất trong lực lượng giải quyết có ý nghĩa như thế nào?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Đối với các vụ bắt cóc con tin, lực lượng chức năng tham gia giải quyết vụ việc phải bình tĩnh, không được nôn nóng. Trước hết, phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định danh tính và nhân thân của đối tượng. Phải nghiên cứu kỹ về đối tượng thì mới có thể đưa ra được biện pháp giải quyết tương thích và tối ưu nhất. Chẳng hạn đối với đối tượng phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” phải giải quyết khác, đối với đối tượng có nhiều tiền án tiền sự, hay đối tượng phạm tội do mâu thuẫn bột phát… thì phải giải quyết khác.

Trong các tình huống bắt cóc con tin, nhất là đối với những đối tượng phạm tội do tình huống bột phát như trên, biện pháp tối ưu nhất các lực lượng chức năng tham gia giải quyết nên áp dụng, đó là thuyết phục đối tượng ra đầu hàng. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn nhất cho tính mạng các con tin. Để thuyết phục thành công các đối tượng, lực lượng chức năng phải nghiên cứu và đưa những người có uy tín, có tác động lớn nhất đối với đối tượng đến (có thể là bố mẹ, vợ, bạn bè hoặc người có uy tín trong dòng họ).

Đối với các vụ việc như thế này, sự xuất hiện của người chỉ huy cao nhất trong lực lượng chức năng giải quyết vụ việc là rất quan trọng. Vì họ sẽ là người quyết định sử dụng biện pháp gì là tối ưu nhất để giải quyết vụ việc. Hoặc trong tình huống các đối tượng yêu cầu người chỉ huy cao nhất trực tiếp đến đối thoại, như vụ đối tượng Trần Thanh Bình bắt cóc, khống chế con tin ở Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), đồng chí Giám đốc Công an TP Hà Nội đã có mặt, một mình lên gặp đối tượng để thuyết phục và chỉ trong 7 phút là đối tượng đã chịu đầu hàng.

Phóng viên: Thực tế các đối tượng gây ra các vụ bắt cóc, khống chế con tin nói trên lúc ban đầu đều không có mục đích phạm tội như vậy. Nhưng sau đó, họ đã bột phát tiếp hành vi phạm tội này và sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng hơn rất nhiều theo quy định của pháp luật. Thưa Thiếu tướng, từ những vụ việc này, ông có lời khuyến cáo nào với mọi người hay không?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Thực tế, từ trước đến nay, tất cả các vụ bắt cóc, khống chế con tin chưa bao giờ đạt được mục đích như các đối tượng đặt ra. Cuối cùng, các đối tượng phạm tội đều sa lưới pháp luật, kể cả khi chúng đã sát hại con tin.

Đối với các đối tượng phạm tội trong các tình huống như đã kể trên, họ đang từ phạm tội nhỏ hơn, quay sang bắt cóc, khống chế con tin lại phạm thêm tội rất nặng, sẽ bị sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Chính vì thế, đối với các đối tượng đã trót bột phát thực hiện việc bắt cóc, khống chế con tin thì khi được cơ quan chức năng thuyết phục nên ra đầu hàng sớm để hưởng khoan hồng của pháp luật.

Thực tế cho thấy phần lớn các vụ việc trên đều có nguyên nhân sâu xa từ những bức xúc trong cuộc sống gia đình, xã hội. Chính vì thế, để hạn chế tình trạng này, theo tôi, mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh hành vi của mình theo đúng phạm trù đạo đức xã hội và luật pháp. Hơn nữa, vai trò của gia đình, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội rất quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống. Nếu giải quyết được mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay từ ban đầu, nhất là những mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp đất đai… để kịp thời tiến hành các biện pháp phòng ngừa, hòa giải, giáo dục… thì sẽ bớt đi các vụ án bắt cóc, khống chế con tin kể trên, và rộng hơn là các vụ án do nguyên nhân xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

T. Hòa (thực hiện)
.
.
.