Xét xử vụ “trốn đi nước ngoài, nhằm chống chính quyền nhân dân”

Thứ Năm, 22/04/2010, 16:08
Ngày 20/4, TAND tỉnh Lâm Đồng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân".

Theo đó tuyên phạt Dương Âu (55 tuổi), trú tại số 145 QL20, tổ 2, thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, 5 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù; Phùng Quang Quyền (54 tuổi), trú tại 367 Thống Nhất, khu phố 3, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng 4 năm tù giam, 4 năm quản chế sau khi mãn hạn tù; Trương Văn Kim (59 tuổi), trú tại 821 Hùng Vương, khu 10, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh và Trương Thị Tám (47 tuổi), trú tại phường 3, TP Đà Lạt, mỗi người 3 năm tù giam, 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù. Đây là những đối tượng đi khiếu kiện kéo dài, có hành vi cực đoan và chống lại Nhà nước Việt Nam.

Cùng đi khiếu kiện nên Âu, Kim, Tám quen nhau và sau này quen thêm Quyền. Biết Dương Âu là đối tượng thường xuyên có hoạt động chống đối như thu thập tình hình khiếu kiện ở địa phương để cung cấp cho các tổ chức ở nước ngoài nên từ tháng 4/2009, Nguyễn Công Bằng - kẻ cầm đầu tổ chức "Đảng vì dân" đã chủ động móc nối với Dương Âu. Từ nước ngoài, Bằng đã điện thoại nhiều lần về giao nhiệm vụ cho Âu phát triển lực lượng để chống phá Nhà nước Việt Nam. Âu đã lôi kéo Quyền, Kim và Tám vào tổ chức, trốn ra nước ngoài để được gặp Bằng và Trịnh Thị Ngọc Anh, kẻ thân tín của Bằng.

Tại một nhà trọ gần khu vực biên giới Campuchia - Thái Lan, khoảng 14h ngày 25/8/2009, cả nhóm đã được gặp Nguyễn Công Bằng và Trịnh Thị Ngọc Anh. Cả 4 đã cung cấp cho Bằng những thông tin xuyên tạc về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, phỉ báng việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chính quyền địa phương.

Riêng Quyền còn cung cấp sai sự thật về chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với y khi cải tạo tại Trại giam Z30A - Bộ Công an. Bằng và Ngọc Anh còn giao nhiệm vụ cho 4 người phải tuyên truyền cho nhiều người hiểu về "Đảng vì dân" để khi diễn ra bầu cử sẽ bỏ phiếu cho Bằng.

Ngày 25/8/2009, Âu, Quyền, Kim và Tám được Nguyễn Thị Oanh dẫn về theo đường cũ và đến sáng 26/8/2009, lúc 7h15' khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, tại khu vực nhà thờ thuộc ấp Tân Bình, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, Âu và Kim đã bị Đồn Biên phòng 933, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện bắt giữ. Tám và Quyền trốn được về Lâm Đồng đến ngày 31/8/2009 thì bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt giữ. Quá trình khám xét nhà các đối tượng, lực lượng An ninh cũng thu thêm nhiều tài liệu của các tổ chức phản động được các đối tượng lưu vào máy tính.

Lời nói sau cùng của 4 đối tượng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án đầy hối hận. Kim nói: "Tôi biết Việt Nam đang hội nhập, chính trị rất tốt, kinh tế đang phát triển, đất nước đang đi lên, nhiều công trình đang được xây dựng phục vụ cho người dân. Chỉ vì không bằng lòng với giải quyết của chính quyền mà tôi đã đi khiếu kiện. Tôi đã bị các đối tượng bên ngoài lợi dụng. Tôi rất xấu hổ, ăn năn, hối hận về hành vi của mình. Tôi xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhà nước…". Quyền nói: "Hành vi của tôi là có tội với Đảng và nhân dân"; Âu nói: "Tôi đã trả giá quá đắt cho hành vi này"; Tám thì không thừa nhận đã tham gia các tổ chức "Đảng dân chủ thế kỷ 21" và tổ chức phản động "Khối 8406"…

Đông đảo những người dân tham dự phiên tòa đồng tình với mức án mà tòa tuyên phạt các bị cáo

PV
.
.
.