Xây dựng văn hóa ứng xử cán bộ, chiến sĩ Công an trong tình hình mới

Thứ Sáu, 22/01/2016, 20:16
Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Giám đốc Học viện Chính trị CAND, đại biểu Đoàn Đảng bộ CATW dự Đại hội khẳng định: Một trong những nội dung rất quan trọng được xác định trong báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII là xây dựng, phát triển văn hóa, con người.

“Tôi cho rằng, đây là vấn đề được đặt ra rất đúng, rất trúng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện, sâu rộng hiện nay” – Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Giám đốc Học viện Chính trị CAND, đại biểu Đoàn Đảng bộ CATW dự Đại hội khẳng định. Đại biểu Trương Giang Long cho biết, hiện Tổng cục Chính trị CAND đang nghiên cứu ứng dụng đề tài khoa học “Văn hóa ứng xử trong CAND” để phục vụ hoạt động giảng dạy trong các nhà trường, học viện thuộc lực lượng Công an, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa ứng xử cán bộ, chiến sĩ CAND trong tình hình mới.

- Thưa Giáo sư, tính cấp thiết của vấn đề xây dựng văn hóa, con người có thể nhìn nhận dưới những khía cạnh nào?

GS.TS Trương Giang Long.

+ Điểm nổi bật trong các văn kiện lần này thể hiện tập trung ở chỗ, Đảng không chỉ  nói về các thành tựu đạt được mà còn chỉ ra nhiều nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém một cách rất thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị. Chúng tôi nhận thức rằng, cùng với các nguyên nhân đã được Đảng chỉ ra, vấn đề đào tạo, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực con người và vấn đề xuống cấp, biến dạng những giá trị văn hóa, lối sống cũng rất đáng được chú ý. Đảng đã có chủ trương thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nhưng thay đổi theo hướng nào, nội dung ra sao để sớm có những thế hệ công dân mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới luôn là câu hỏi lớn. Rõ ràng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong một bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên có một phần trách nhiệm từ phía hệ thống nhà trường và sự xuống cấp về văn hóa, lối sống, trong đó đặc biệt là văn hóa ứng xử.

- Nhưng các mặt tiêu cực nói trên đã được cảnh báo từ lâu và Đảng ta cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp song về nhận thức và triển khai nhiều nơi còn mang tính hình thức?

Văn hóa ứng xử trong CAND có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với chiến sĩ trẻ.

+ Chính vì vậy, để ngăn ngừa, đẩy lùi mặt tiêu cực nói trên, tôi cho rằng, các cấp, các ngành cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá con người, thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Xây dựng văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.  

- Vậy Giáo sư đánh giá như thế nào về nội dung xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong văn kiện Đại hội XII?

+ Tôi tán thành những nội dung trong văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa con người như: đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; làm cho giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động, mọi quan hệ xã hội, thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững. Mọi hoạt động văn hoá, từ bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hoá, phát triển văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đến bảo tồn, phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số, văn hoá tôn giáo, xây dựng thiết chế văn hoá... đều phải phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hoá, con người. Xây dựng văn hóa chính là nhằm để xây dựng con người, đào tạo con người. Con người Việt Nam mà chúng ta xây dựng là con người được kết tinh từ những giá trị truyền thống trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của văn hóa nhân loại.

- Được biết, Bộ Công an đã có đề tài khoa học trọng điểm “Văn hóa ứng xử trong CAND”, làm cơ sở khoa học phục vụ Bộ Công an xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trong CAND Việt Nam”. Thời gian tới, vấn đề này sẽ được nghiên cứu, vận dụng ra sao, thưa Giáo sư?

+ Trong lực lượng CAND, việc xây dựng lối sống văn hóa, ứng xử được Đảng ủy CATW, Bộ Công an đặc biệt quan tâm. Về vấn đề này, vừa qua, Bộ Công an đã có đề tài khoa học trọng điểm “Văn hóa ứng xử trong CAND”. Đề tài do Đại tướng, GS, TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ nhiệm.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, hiện nay, trước những tác động từ rất nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước, văn hóa ứng xử trong lực lượng CAND Việt Nam có dấu hiệu giảm sút ở một số bộ phận trên một số mặt công tác. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đề tài đã xây dựng các giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao văn hóa ứng xử trong CAND, đặc biệt là hình thành cơ sở khoa học phục vụ Bộ Công an xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trong CAND Việt Nam” - một nhiệm vụ cấp thiết để triển khai trong toàn lực lượng. Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu ứng dụng đề tài để phục vụ hoạt động giảng dạy trong các nhà trường, học viện thuộc lực lượng Công an, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa ứng xử cán bộ, chiến sĩ CAND trong tình hình mới, đồng thời tổ chức giảng dạy trong cán bộ, chiến sĩ, học viên…  

-  Xin cảm ơn Giáo sư!

Đăng Trường
.
.
.