WEF đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam chuẩn bị Hội nghị WEF ASEAN 2018
- Việt Nam đã sẵn sàng cho Hội nghị WEF ASEAN 2018
- Hội nghị WEF ASEAN - một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018
- VNPT cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT phục vụ Hội nghị WEF ASEAN 2018
Về sự kiện WEF ASEAN 2018 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13 tháng 9, ông Justin Wood đánh giá cao nỗ lực của chủ nhà Việt Nam trong từng khâu chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, từ việc trả lời về mục đích, chương trình nghị sự của hội nghị, đến phân tích những cơ hội và thách thức của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Justin Wood, WEF đã ký kết với Chính phủ Việt Nam về việc tổ chức WEF ASEAN từ tháng 1-2017. Các công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ 18 tháng nay. Ông nhấn mạnh, với một sự kiện quan trọng như thế này, cần rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị.
Đặc biệt, Hội nghị cũng sẽ đón 9 vị nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài những công tác chuẩn bị nội dung chương trình, thành phần tham dự, còn rất nhiều công việc hậu cần như lễ tân, an ninh...
Nói về chủ đề của hội nghị năm nay, ông Justin Wood nhấn mạnh, với khoảng 55 phiên thảo luận, chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” có tính thời sự, thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới. Chủ đề này cũng đồng thời gắn kết với chủ đề của ASEAN năm 2018 là “ASEAN tự cường, sáng tạo”, phối hợp nhịp nhàng giữa Năm ASEAN được tổ chức tại Singapore.
Ông Justin Wood cho rằng, đa số mọi người hiện nay đều hiểu khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là thế hệ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot, thiết bị bay không người lái, xe ôtô tự lái, chuỗi khối và mạng lưới Internet Vạn vật (Internet of Things).
Tất cả những công nghệ này đang biến đổi nền kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị với một tốc độ đáng kinh ngạc, và tốc độ này đang ngày một gia tăng. "Thực tế cho thấy, robot đang thay thế nhân lực trong các nhà máy, trí tuệ nhân tạo thay thế con người trong các văn phòng. Vì vậy, quan trọng là các nhà lãnh đạo ASEAN hiểu công nghệ sẽ ảnh hưởng ra sao đến tương lai việc làm và người lao động cần phải được đào tạo lại ra sao, hệ thống giáo dục phải phát triển thế nào để đảm bảo người lao động vẫn có thể giữ lợi thế cạnh tranh", ông Justin Wood chia sẻ.
Nhìn về tương lai, Việt Nam có khả năng tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm nữa để bắt kịp các quốc gia khác. Một trong những mục tiêu mà Việt Nam nên theo đuổi là tăng cường mở cửa với quốc tế, kết nối kinh tế Việt Nam với chuỗi giá trị cũng như hệ thống sản xuất và dịch vụ toàn cầu. Đây sẽ là một trong những động cơ giúp kinh tế đất nước tăng trưởng.
Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới khẳng định: "WEF và Chính phủ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác công tư (PPP) và thỏa thuận hợp tác này có trọng tâm là giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như làm thế nào để chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với cuộc cách mạng này. Quá trình này vẫn đang được triển khai. Đó là cách WEF giúp Chính phủ Việt Nam định hình chính sách để thích nghi tốt với tương lai khó đoán mà cách mạng công nghệ 4.0 mang lại".