Vừa đuợc tha, đã trở mặt

Thứ Ba, 22/01/2008, 11:53
Sau khi bị Cơ quan An ninh bắt giam vì âm mưu khủng bố tại TP HCM vào ngày 17/11/2007, Trương Văn Sỹ (tức Trương Leon), Việt kiều Mỹ và Nguyễn Thị Thanh Vân, Việt kiều Pháp đã thành khẩn khai báo về những hành vi vi phạm luật pháp Nhà nước Việt Nam của mình, đồng thời viết đơn xin tha thứ. Tuy nhiên, khi được khoan hồng, trở về Mỹ, Pháp, Trương Văn Sỹ và Nguyễn Thị Thanh Vân... dưới sự chỉ đạo của bọn cầm đầu tổ chức khủng bố Việt Tân, đã quay ngoắt lại, dựng chuyện vu khống Nhà nước Việt Nam...

Sinh ngày 20/9/1953 tại Bạc Liêu, Trương Văn Sỹ khi sang định cư ở bang Hawaii, Mỹ, đã lấy tên Mỹ là Trương Leon, và kiếm sống bằng nghề phục vụ trong một nhà hàng.

Tháng 4/2005, Trương Leon gia nhập Việt Tân qua sự giới thiệu của Nguyễn Thành Công, rồi được giao nhiệm vụ phân phát truyền đơn của Việt Tân tại những nơi đông người Việt ở thành phố Honolulu, bang Hawaii như chợ búa, siêu thị, nhà hàng.

Nội dung những truyền đơn này ngoài việc xuyên tạc tình hình trong nước, Việt Tân còn kêu gọi bà con Việt kiều đứng lên lật đổ Nhà nước Việt Nam bằng nhiều hình thức, kể cả hình thức vũ trang.

Tiếp xúc với chúng tôi 2 ngày trước khi được khoan hồng, phóng thích, Trương Leon nói: "Tôi biết tiền thân của Việt Tân là Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam do Hoàng Cơ Minh thành lập và cầm đầu. Tổ chức này đã từng đưa lực lượng, súng đạn về Việt Nam, tiến hành âm mưu bạo loạn, khủng bố...”.

Đặc biệt hơn, Trương Leon còn xác nhận: "Thông qua Nguyễn Thành Công, Nguyễn Quốc Quân, tôi biết sau khi Hoàng Cơ Minh chết, ngoài mặt Việt Tân công bố cương lĩnh đấu tranh bất bạo động, nhưng bên trong vẫn ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng qua việc tổ chức những khóa học sử dụng vũ khí, đánh bom, đặt mìn, gài chất nổ..., cho các thành viên.

Bên cạnh đó, Việt Tân còn bắt liên lạc với một số trùm mua bán súng đạn, đồng thời cử người xâm nhập bất hợp pháp qua ngả biên giới Campuchia vào Việt Nam, nhằm tạo một hành lang an toàn để đưa người và vũ khí về nước...".

Tháng 4/2007, Trương Leon nhận nhiệm vụ của Việt Tân, là về Việt Nam để phát tán truyền đơn kêu gọi lật đổ Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo chỉ đạo, Trương Leon đã bỏ 800 tờ truyền đơn vào 800 phong bì, rồi ghi tên họ người nhận dựa vào danh sách đã được cung cấp. Sau đó, Trương Leon bỏ những phong bì này vào những thùng thư công cộng tại TP HCM và TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Lần thứ hai, Trương Leon vào Việt Nam ngày 4/11/2007 để cùng phối hợp với Nguyễn Thị Thanh Vân, Lưu Ngọc Bang (tức Nguyễn Quang Phục, Khumni Somsak – Việt kiều Thái Lan), Nguyễn Thế Vũ và Nguyễn Viết Trung thực hiện âm mưu khủng bố. Nhằm tránh sự phát hiện của Cơ quan An ninh Việt Nam, bọn Việt Tân chia ra ở nhiều nơi.

Ngày 12/11/2007, Lưu Ngọc Bang đi ôtô từ Phnôm Pênh, Campuchia sang TP HCM, thuê phòng tại khách sạn Lan Anh, số 252 đường Đề Thám, quận 1. Trương Leon thì tạm trú tại khách sạn Thái Bình, số 323/2 đường Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Sau khi gặp Nguyễn Quốc Quân để nhận chỉ thị vào ngày 15/11/2007 tại một khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão, TP HCM, Trương Leon cùng Nguyễn Thị Thanh Vân, Lưu Ngọc Bang đến nhà Nguyễn Thế Vũ để lấy bao thư, cho truyền đơn vào rồi gửi đi theo đường bưu điện, nhằm đánh lạc hướng Cơ quan An ninh Việt Nam, cũng như tạo cho người nhận cảm tưởng rằng Việt Tân là một tổ chức mạnh, có mặt nhiều nơi trong cả nước. Tuy nhiên, cả bọn đã bị bắt quả tang vào ngày 17/11/2007.

Một đoạn trong đơn xin khoan hồng của Trương Leon.

Những ngày trong trại tạm giam, Trương Leon đã thành khẩn khai báo về tổ chức Việt Tân, về Nguyễn Thành Công, Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thị Thanh Vân và về âm mưu khủng bố mà Trương Leon và đồng bọn trực tiếp thực hiện.

Tiếp xúc với chúng tôi, Trương Leon nói: "Tôi hoàn toàn không bị bất cứ một nhục hình nào. Thái độ của cán bộ điều tra với tôi rất hòa nhã. Điều làm tôi nhớ nhất là đầu tháng 12, thời tiết đột ngột trở lạnh, cán bộ điều tra đã hỏi tôi có cần thêm mền đắp cho ấm không".

Ngày 7/12/2007, Trương Leon viết đơn xin khoan hồng, trong đó có đoạn: “...quá trình bị bắt, làm việc với Cơ quan Điều tra, tôi được đối xử rất đàng hoàng, cán bộ làm việc khách quan, đúng quy định pháp luật, tôi không bị áp bức, bị ép cung, mớm cung, không bị nhục hình...”.

Tiếp theo, Trương Leon viết: “Tôi xin hứa khi được Nhà nước Việt Nam khoan hồng, trở về Mỹ, tôi sẽ không tham gia tổ chức Việt Tân cũng như bất kỳ tổ chức nào có mục đích chống phá Nhà nước Việt Nam".

Ngày 11/12/2007, Trương Leon được phóng thích. Khi chuẩn bị lên xe ra sân bay, trước ống kính của phóng viên Truyền hình Việt Nam, một lần nữa Trương Leon lại cảm ơn các cơ quan pháp luật Việt Nam, đã đối xử rất tốt với ông ta, cũng như cám ơn chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước.

Ấy vậy mà khi vừa đặt chân đến Mỹ – dưới sự giật dây của bọn cầm đầu Việt Tân, Trương Leon đã lộ ra bộ mặt của một kẻ tráo trở: “Tôi bị bỏ đói, bị hăm dọa. Tất cả những gì tôi khai đều do Công an Việt Nam viết sẵn rồi ép tôi phải ký vào...".

Bị bỏ đói mà khi xách túi hành lý ra khỏi trại giam, Trương Leon mặt mũi hồng hào, béo nung núc. Bị hăm dọa mà Trương Leon lại cảm ơn các cán bộ quản lý trại giam, cán bộ điều tra rất chân thành. Bị "ép" ký nhưng những gì Trương Leon ký, lại do chính tay ông ta viết ra trên giấy trắng mực đen.

Cùng một giuộc như thế, Nguyễn Thị Thanh Vân, Việt kiều Pháp, sinh ngày 4/6/1956 tại Sài Gòn, tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân năm 1993 qua sự giới thiệu của các "ủy viên trung ương" Nguyễn Ngọc Đức và Trần Đức Tường, rồi được phân công làm biên tập viên của "Tập san dân chủ".

Sau đó, là phát thanh viên của đài phát thanh "Chân trời mới" dưới cái tên Thanh Thảo. Trên tờ tạp chí và trên đài phát thanh này, Nguyễn Thị Thanh Vân thường xuyên có những bài viết, bài đọc, xuyên tạc tình hình, nói xấu, vu khống Nhà nước Việt Nam.

Đầu tháng 11/2007, theo sự chỉ đạo của Trần Đức Tường, Nguyễn Thị Thanh Vân từ Pháp sang Campuchia để gặp Lưu Ngọc Bang rồi sau đó, Vân cùng Bang mang về Việt Nam 900 huy hiệu (logo) Việt Tân để tán phát, nhằm thực hiện ý đồ công khai hóa.

Ngày 17/11/2007, lần lượt Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Văn Sỹ, Lưu Ngọc Bang đến nhà Nguyễn Thế Vũ. Trước đó, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Thuận – thành viên Việt Tân ở Oslo, Na Uy, Vũ đã thu thập danh sách và địa chỉ của hơn 40 công ty và 7.000 địa chỉ cá nhân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tại nhà Vũ, căn cứ vào những địa chỉ mà Nguyễn Thế Vũ cung cấp, cả bọn cho truyền đơn vào phong bì rồi cắt, dán tên người nhận. Nội dung truyền đơn kêu gọi người dân đứng lên vũ trang bạo loạn, kêu gọi công nhân đình công, gây bất ổn trong xã hội, kêu gọi gia nhập tổ chức Việt Tân rồi nương theo đó, Việt Tân sẽ lật đổ chính quyền.

Theo kế hoạch, nếu việc gửi truyền đơn, logo Việt Tân trót lọt, chúng sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều toán khác về nước để tuyển mộ, tập hợp lực lượng, biến Việt Tân thành một tổ chức đối đầu công khai, kích động người dân biểu tình, bạo loạn lật đổ Nhà nước.

Tuy nhiên, khi cả bọn đang tiến hành cắt dán thì bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt quả tang, với tang vật gồm 6.750 tờ truyền đơn, 1.100 phong bì đã dán tem, 7.025 phong bì chưa dán tem, 3.775 tem thư loại 800 đồng, 900 logo, 990 danh thiếp...

Cũng như Trương Leon, trong trại tạm giam, Nguyễn Thị Thanh Vân khai tất tần tật về các thành viên Việt Tân mà chị ta đã từng gặp gỡ, tiếp xúc, cũng như nhân sự của tờ "Tập san dân chủ" và đài phát thanh "Chân trời mới", cùng các quy luật hoạt động, tổ chức mạng lưới thông tín viên, cộng tác viên.

Tiếp xúc với chúng tôi, Nguyễn Thị Thanh Vân luôn than thở, rằng: "Do thiếu hiểu biết về tình hình trong nước nên tôi đã bị lừa. So sánh với những gì mắt thấy, tai nghe trong thời gian ở TP HCM, tôi thấy nội dung của truyền đơn Việt Tân kêu gọi lật đổ chính quyền là hoàn toàn không phù hợp...".

Rồi chị ta tiếc rẻ: "Nếu tôi tỉnh táo, không tham gia với bọn Việt Tân, thì giờ này tôi đang ở ngoài, sống cuộc sống tự do như bao nhiêu người dân thành phố khác. Tự do đi chơi, mua sắm, ăn uống, sửa... sắc đẹp vì ở TP HCM, sửa sắc đẹp rẻ hơn ở Pháp rất nhiều”.

Chúng tôi hỏi trong thời gian ở trại tạm giam, điều gì khiến chị ta có ấn tượng sâu sắc nhất. Không phải suy nghĩ lâu, Nguyễn Thị Thanh Vân trả lời: "Ngoài việc được đối xử tử tế, thái độ làm việc của các cán bộ điều tra rất hòa nhã, một nữ cán bộ ở trại giam còn hỏi tôi ngày nào là ngày "khó ở", để được cấp băng vệ sinh. Chính điều này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về hành vi của mình...".

Ngày 7/12/2007, Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị cán bộ trại giam cho mình giấy, bút, rồi viết liền một mạch bản nhận tội và đơn xin khoan hồng. Trong đơn, Nguyễn Thị Thanh Vân cam kết: “... Khi trở về Pháp, tôi sẽ từ bỏ tổ chức Việt Tân, cũng như không tham gia bất kỳ một tổ chức nào hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Tôi nhận thấy tôi đã vi phạm pháp luật, tôi rất hối hận về việc này...".

Nhưng cũng như Trương Leon, lúc đặt chân về lại đất Pháp, theo chỉ đạo của bọn Việt Tân, Nguyễn Thị Thanh Vân lại mồm loa mép giải, dựng chuyện, bịa đặt về thời gian chị ta bị giam giữ. Những lời lẽ sai sự thật này, được bọn Việt Tân tung lên mạng Internet, lên đài phát thanh "Chân trời mới", lên "Tập san dân chủ" nhưng vẫn chẳng bịp được ai.

Cũng cần phải kể thêm rằng trên xe từ trại giam ra sân bay, và khi tận mắt chứng kiến nhịp sống phố phường, Nguyễn Thị Thanh Vân đã bất giác thốt lên: "Ở Việt Nam sống tự do và thoải mái quá".

Ông Trần Văn Thành, Việt kiều Mỹ về Việt Nam ăn tết với gia đình, cho biết: "Ở Mỹ, bà con người Việt kênh 4, Đài VTV4, ai cũng thấy, cũng nghe rõ những gì ông Trương, bà Vân phát biểu khi được khoan hồng. Việt Tân lừa kiểu gì chứ lừa kiểu này, ai mà tin được..."

V.C.
.
.
.