Vụ chủ cao ốc 8B Lê Trực “xin giữ nguyên sai phạm”: Đừng để pháp luật thành trò đùa

Thứ Ba, 22/03/2016, 08:04
Việc chính quyền phường Điện Biên tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực ngày 6-3 những tưởng đã là động thái chấm dứt sự tồn tại của những sai phạm ngang nhiên thách thức dư luận lâu nay ở tòa nhà này. Tuy nhiên, có vẻ như chủ đầu tư của dự án vẫn không “cam chịu”. Mới đây, chủ đầu tư dự án này đã lại có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội tiếp tục xin không tháo dỡ phần sai phạm.

Trong văn bản gửi đến các lãnh đạo cấp cao Nhà nước và Hà Nội, chủ đầu tư dự án số 8B Lê Trực xin được thay đổi hình thức xử lí khác thay vì phá dỡ toàn bộ diện tích sai phạm. Lý do được chủ đầu tư đưa ra là việc phá dỡ sẽ gây ra những rung chấn, ảnh hưởng xấu đến kết cấu tầng 1 và toàn bộ hệ thống tòa nhà. 

“Hiện tượng rung chấn mạnh do quá trình phá dỡ này ảnh hưởng nặng nề đến khả năng an toàn chịu lực và tuổi thọ của công trình còn lại sau khi đưa vào sử dụng, mang đến những nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng cho người sử dụng mà không ai có thể lường trước, không thể biết sự cố sẽ xảy ra bất cứ lúc nào”, Công ty cổ phần May Lê Trực nêu lý do. 

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cho rằng, hiện tượng rung chấn còn gây ra những nguy cơ mất an toàn cho khu cư dân liền kề, xung quanh công trình; nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và người đi đường Trần Phú trong suốt thời gian phá dỡ.

Ngoài những lý do trên, Công ty cổ phần May Lê Trực lại tiếp tục nêu lý do đã từng được nhắc đến ở đơn xin giữ lại phần sai phạm lần trước là nếu tháo dỡ sẽ lãng phí của cải vật chất. Chủ đầu tư đề xuất 3 phương án: Chấp nhận chịu phạt hành chính như nhiều công trình sai phạm khác và xin được giữ nguyên phần sai phạm; dừng việc phá dỡ phần công trình vi phạm đang thực hiện để Nhà nước, TP dùng phần công trình xây dựng này vào mục đích công ích có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng. Và phương án thứ 3 là cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chủ động liên hệ với Hội Chữ thập đỏ để dùng phần công trình xây dựng sai phép vào mục đích từ thiện.

Việc Công ty cổ phần May Lê Trực lại có động thái xin được giữ lại phần sai phạm khiến dư luận không khỏi bức xúc. Bởi lẽ, việc sai phạm đã được làm rõ, và phải khẳng định rằng vi phạm tại toà nhà số 8B Lê Trực là nghiêm trọng. Công trình này nằm ở vị trí nhạy cảm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần có ý kiến xử lý nghiêm những vi phạm tại đây. 

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng từng khẳng định, không thể dùng hình thức hiến hay tặng để đổi cho những sai phạm được. “Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu Nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai. Chưa bao giờ có tiền lệ xây dựng sai phép xong lại đề nghị hiến tặng Nhà nước và dư luận cũng không nên khuyến khích những ý tưởng như vậy. Thành phố coi đây là trường hợp điển hình, cần xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác vì trong tương lai còn có rất nhiều công trình được xây dựng trên địa bàn, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định.

Phần tum công trình sai phạm số 8B Lê Trực bị cưỡng chế tháo dỡ ngày 6-3-2016. Ảnh: Thành Trung

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, nhiều ý kiến cử tri bức xúc trước tình trạng xây dựng không phép, trái phép được phát hiện trong thời gian qua và công tác quản lý yếu kém, có nhiều dấu hiệu tiêu cực, việc xác định trách nhiệm không rõ, xử lý không kiên quyết. 

Ðồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu đích danh vụ việc xây dựng tòa nhà số 8B Lê Trực, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tãng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m, vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng. 

“Cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị quản lý để xảy ra sai phạm, báo cáo tại kỳ họp sớm nhất của Quốc hội và công bố rộng rãi trên thông tin đại chúng về kết quả giải quyết vụ việc để người dân giám sát”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cũng đã khẳng định, một công trình sai phạm lớn như thế là do công tác quản lý bị buông lỏng, để lại hậu quả lớn về mặt xã hội và phải giải quyết trên nguyên tắc xử lý nghiêm. Nhìn rộng ra, tại Thủ đô có nhiều công trình sai phạm đã phải xử lý cắt ngọn. 

Nếu Dự án số 8B Lê Trực lại được đặc cách giữ lại phần sai phạm, chủ đầu tư các dự án chấp hành nghiêm quyết định “cắt ngọn” sẽ có phản ứng như thế nào? Hơn nữa, người dân rất kỳ vọng vào tính nghiêm minh của luật pháp, của chính quyền Hà Nội. Tất cả phải trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Chi Linh
.
.
.