Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2015:

Vinh danh 30 công trình khoa học tiêu biểu

Thứ Năm, 19/05/2016, 10:31
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, Giải thưởng WIPO năm 2015.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng nhiều đại diện các Bộ, ngành đã tới dự.

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh, Trưởng ban Tổ chức giải thưởng cho biết, năm nay có 30 công trình khoa học được trao giải gồm: 4 giải nhất, 8 giải nhì, 9 giải ba và 9 giải khuyến khích thuộc 6 lĩnh vực công nghệ ưu tiên như: Công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông; cơ khí tự động hóa; công nghệ vật liệu; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. 

4 công trình được trao giải nhất gồm: “Nghiên cứu cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ” của Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình); 

“Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” của Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên xây dựng và cấp nước Thừa Thiên-Huế; 

“Nghiên cứu quy trình kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến và xây dựng nhà yến phù hợp với từng vùng miền, địa phương phục vụ phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa; 

“Nghiên cứutriển khai sản xuất búa răng siêu bền thay thế hàng nhập khẩu mã số RD133-13 và Nghiên cứu triển khai sản xuất búa hai lớp thay thế hàng nhập khẩu mã số RD134-13” của nhóm kỹ sư Công ty cổ phần cơ khí Đông Anh LICOGI.

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cũng trao giải thưởngWIPO năm 2015 cho 2 công trình xuất sắc nhất là: “Nghiên cứu cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ” của tác giả Trần Văn Trà, Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen; “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến và xây dựng nhà yến phù hợp với từng vùng miền, địa phương phục vụ phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” của tác giả Lê Hữu Hoàng cùng các cộng sự thuộc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa.

Cũng tại Lễ trao giải thưởng này, ông Phạm Thành Công, Ủy viên Hội đồng bảo trợ Quỹ VIFOTEC, Chủ tịch Tập đoàn GFS, đã được Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trao Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến Giải thưởng. Là một nhà khoa học, ông Phạm Thành Công đã có những đóng góp rất thiết thực hỗ trợ cho các hoạt động khoa học công nghệ.

Thanh An
.
.
.