Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC)

Thứ Sáu, 04/11/2016, 10:06
Ngày 3-11, tại khóa họp 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021.


Tại kỳ bầu cử này, Việt Nam ứng cử trong nhóm nước khu vực châu Á với 10 ứng cử viên cho 7 vị trí. Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) có 34 thành viên, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1947 với nhiệm vụ thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

Đây là lần đầu tiên đại diện của Việt Nam trúng cử vào Uỷ ban Luật pháp quốc tế. Việc ứng cử viên Việt Nam trở thành thành viên của cơ quan quan trọng này của Liên hợp quốc thể hiện vị thế, uy tín quốc tế và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và Liên hợp quốc, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, kết quả này cũng thể hiện sự ghi nhận, tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với năng lực của cá nhân Đại sứ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Nga trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam về kết quả bầu ILC

- PV: Xin Đại sứ cho biết cảm nghĩ của mình về việc ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, vừa được tín nhiệm bầu vào Uỷ ban pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 ?

- Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được các nước thành viên LHQ bầu chọn là làm thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế là một tin vui lớn, là niềm phấn khởi và tự hào đối với tất cả chúng ta. Tôi xin chúc mừng Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Nga. Ảnh: TTXVN.

Đây là vinh dự lớn đối với cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với đất nước chúng ta, đối với ngoại giao Việt Nam vì đây là lần đầu tiên một công dân Việt Nam, một nhà ngoại giao Việt Nam, được bầu vào một cơ quan rất quan trọng của Liên hợp quốc.

Sự kiện này một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của VN và sự tham gia tích cực của VN tại các diễn đàn pháp lý của LHQ cũng như ở cấp độ khu vực như ASEAN, APEC.

Sự kiện này thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đồng thời khẳng định uy tín quốc tế của Việt Nam, sự ghi nhận, đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia ngày càng sâu rộng và có trách nhiệm của VN vào các lĩnh vực của đời sống quốc tế, chính sách nhất quán của Việt Nam tôn trọng và đề cao luật pháp quốc tế trong mọi mối quan hệ quốc tế, cả trên bình diện song phương cũng như đa phương, cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu, việc chúng ta luôn kiên định nguyên tắc giải quyết hoà bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đây cũng là thành quả của các nỗ lực không mệt mỏi trong hơn một năm qua của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài, trong đó có Phái đoàn thường trực VN tại LHQ, để giới thiệu Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với ứng cử viên của VN.

- PV: Theo Đại sứ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao có thể đóng góp như thế nào vào công việc của ILC trong thời gian tới?

- Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được bầu vào ILC nhiệm kỳ 2017-2021, đúng vào thời điểm luật pháp quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng. Thế giới chúng ta đang biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc, phải đối diện với nhiều vấn đề mới phức tạp nảy sinh, nhiều thách thức hết sức to lớn, cả về hoà bình, an ninh, phát triển và quyền con người, đòi hỏi hệ thống pháp lý quốc tế phải không ngừng được hoàn thiện để phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, góp phần vào hoà bình, phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Tôi tin tưởng rằng với bề dày kiến thức và kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn, với các tố chất của một nhà ngoại giao đồng thời là một luật gia, Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao sẽ phát huy được tốt nhất thế mạnh của mình, đại diện xứng đáng cho Việt Nam và các nước đang phát triển, đóng góp tích cực vào công việc của ILC, đặc biệt là việc pháp điển hoá và sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế, xứng đáng với sự tín nhiệm của đất nước và bạn bè quốc tế.

PV
.
.
.