Việt Nam trong Hội đồng Bảo an: Đối tác vì một nền hòa bình bền vững
Ảnh: TTXVN. |
Hội thảo nhằm đánh giá cơ chế hoạt động và tình hình của Hội đồng Bảo an thời gian tới, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về vai trò của Hội đồng Bảo an trong ngăn ngừa xung đột, giải quyết hậu quả và tái thiết lập hậu xung đột, từ đó có những khuyến nghị phù hợp giúp Việt Nam chuẩn bị quá trình ứng cử và đảm nhiệm trọng trách Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Hội thảo có sự tham gia của ông Ian Martin, nguyên Giám đốc điều hành của Tổ chức Báo cáo Hội đồng bảo an (Security Council Report), ông Omar Halim, nguyên Đại diện đặc biệt Tổng thư ký Liên hợp quốc, các đại biểu đến từ Ban Thư ký Liên hợp quốc, Ban Thư ký ASEAN và các cán bộ đã từng tham gia hỗ trợ Việt Nam hoạt động thành công tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.
Ngoài ra, Hội thảo cũng có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu gồm đại diện Đại sứ quán các nước và tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các cơ quan của Bộ Ngoại giao và các Bộ/ngành liên quan, và các học giả nghiên cứu về Liên hợp quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định những đóng góp thực chất, tích cực của Việt Nam trong nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an năm 2008-2009. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo hoà bình và an ninh quốc tế, Việt Nam đã ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Việc tiếp tục ứng cử lần thứ hai vào cơ quan quan trọng này sau nhiệm kỳ thành công năm 2008-2009 thể hiện mong muốn của Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đây là sự thể hiện cụ thể chính sách đối ngoại đa phương chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, hướng tới xây dựng một môi trường hoà bình, ổn định phù hợp lợi ích chung của tất cả các quốc gia.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những trao đổi cởi mở, thẳng thắn về tình hình của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đánh giá những thuận lợi và thách thức đối với vai trò Ủy viên không thường trực trong bối cảnh thế giới chuyển biến nhanh chóng, khó lường; chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong các vấn đề về gìn giữ hoà bình, gợi mở các sáng kiến về sự tương hỗ giữa các tổ chức quốc tế, khu vực/tiểu khu vực cũng như giữa các quốc gia, giữa Liên Hợp quốc và ASEAN, giữa EU và ASEAN trong Liên hợp quốc.Vấn đề giải quyết hậu quả xung đột, tái thiết hậu xung đột đã thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu. Những ý kiến xây dựng và thực chất nêu tại Hội thảo góp phần hỗ trợ Việt Nam có những chuẩn bị cần thiết trong quá trình vận động ứng cử và tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.