Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng

Thứ Năm, 29/11/2018, 09:31
Cũng như các khu vực khác trên thế giới, các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực triển khai các biện pháp đối phó và đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng.

Trong 3 ngày, từ 27 đến 29-11, tại TP Đà Nẵng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSND TC) Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực châu Á và Viễn Đông của Liên hợp quốc (UNAFEI) tổ chức hội thảo Quản trị Nhà nước khu vực Đông Nam Á lần thứ 12, với chủ đề “Những xu hướng mới nhất của tội phạm tham nhũng (TPTN) trong khu vực và những biện pháp đối phó của các cơ quan tư pháp hình sự”.

Tham dự có Viện trưởng UNAFEI Takeshi Seto; Phó Viện trưởng VKSNDTC Việt Nam Trần Công Phàn; Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Shinichi Asazuma; cùng đại biểu của 11 nước Đông Nam Á và các diễn giả đến từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…

Theo ông Trần Công Phàn, tham nhũng hiện là một vấn nạn, làm suy yếu thể chế dân chủ và thượng tôn pháp luật của mỗi quốc gia. Cũng như các khu vực khác trên thế giới, các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực triển khai các biện pháp đối phó và đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này.

Hội thảo Quản trị Nhà nước khu vực Đông Nam Á lần thứ 12 tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, trong hơn một thập kỷ qua, UNAFEI và các cơ quan tư pháp của Nhật Bản đã luôn đồng hành với các quốc gia Đông Nam Á trong đấu tranh phòng chống TPTN thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực. VKSND TC Việt Nam luôn đánh giá cao và trân trọng cảm ơn UNAFEI và Nhật Bản về sự hỗ trợ hiệu quả này…

Hội thảo lần thứ 12 có ý nghĩa quan trọng, tạo ra một diễn đàn khoa học pháp lý trong khu vực để các nhà thực thi pháp luật, các chuyên gia pháp luật cùng nhau đánh giá, chia sẻ thông tin về những xu hướng mới nhất của TPTN tại quốc gia của mình; xác định những vấn đề cần giải quyết, những kinh nghiệm thực tiễn tốt, các biện pháp đối phó của các cơ quan tư pháp và cùng nhau xác định phương hướng, giải pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả TPTN.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với các thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, một số vụ án có tính chất xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội…

Do vậy, phòng, chống tham nhũng được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Hoài Thu
.
.
.