Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về chỉ số giảm bất bình đẳng

Thứ Năm, 08/10/2020, 19:19

Năm 2020, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia.  


Trong báo cáo “Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng” (CRII) được công bố ngày 8/10, Oxfam và tổ chức Phát triển tài chính quốc tế (DFI) chỉ rõ, có 26/158 quốc gia có tỷ lệ chi ngân sách cho y tế đạt mức khuyến nghị 15% trước đại dịch;và ở 103 quốc gia, cứ 3 người lao động thì có ít nhất 1 người không được hưởng đầy đủ các quyền và biện pháp bảo vệ lao độngcơ bản như trợ cấp ốm đau, khi đại dịch xảy ra.
Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá cao vì những thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19 từ việc nhanh chóng triển khai những biện pháp ngăn chặn, xét nghiệm, truy vết và cách ly, cũng như truyền thông đại chúng. 
Việt Nam được đánh giá có nhiều nỗ lực trong giảm bất bình đẳng. 

Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng, thông qua việc triển khai gói cứu trợ trị giá 2,7 tỷ USD cho 20 triệu người dễ bị tổn thương, và chi trả một khoản trợ cấp trị giá 1,8 triệu đồng/tháng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng.

Theo đánh giá của Oxfam và DFI, những tiến bộ trong thời gian gần đây về các lĩnh vực chính sách hướng tới giảm bất bình đẳng củaViệt Nam cũng rất ấn tượng. Xét tương quan trong với thế giới và khu vực, Việt Nam đang làm tốt hơn về chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội, hiệu suất thu thuế cao, và thúc đẩy các quyền của phụ nữ trong lao động. 

Tuy nhiên, phân tích cũng chỉ ra sự cần thiết phải củng cố các chính sách lấy con người làm trung tâm nhằm giảm bất bình đẳng. Oxfam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc các giải pháp chính sách về dịch vụ công, thuế và lao động; ví dụ như: tăng thuế luỹ tiến như tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm ưu đãi thuế doanh nghiệp; tăng chi tiêu cho các dịch vụ công cho giáo dục, y tế và an sinh xã hội; tăng lương cơ bản lên mức lương đủ sống, tiến tới bao phủ và tiếp cận bảo trợ xã hội toàn dân, đặc biệt là cho lao động phi chính thức và dễ bị tổn thương; thông qua các luật cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, phù hợp với các công ước của ILO; tạo môi trường thể chế với các chính sách công công bằng hơn, tăng cường sự tham gia và phản hồi của ngườidân và xã hội dân sự; đồng thời giám sát và giảm bất bình đẳng song song với quá trình giảm nghèo.


H.Chi
.
.
.