Việt Nam có nhiều lợi thế thời kỳ hậu COVID-19

Thứ Hai, 11/05/2020, 08:17
Sau khi thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam giờ đã trở thành một nơi an toàn với hoạt động kinh doanh và được cho là điểm đến hứa hẹn trong bối cảnh các nhà đầu tư quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Thành công của Việt Nam trong đẩy lùi đại dịch COVID-19 một phần là nhờ chương trình xét nghiệm nhắm mục tiêu và biện pháp kiểm dịch, cách ly hàng chục nghìn người. Trong một bài viết đăng tải trên tờ The World, tác giả Patrick Winn cho biết, có nhiều bài học được rút ra từ cuộc chiến COVID-19 tại Việt Nam, trong đó phải kể đến lợi ích của việc hành động nhanh chóng và quyết liệt. 

Mặc dù vậy, cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng về kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và nhiều doanh nghiệp không dễ dàng khôi phục hoặc mở rộng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, ông Fred Burke, một đối tác quản lý tại Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie nhận định, phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch đã giúp trấn an các doanh nghiệp trong nước và điều đó có thể khiến kinh tế phục hồi. 

“Việt Nam đã tạo ra lợi thế đáng kể về thương mại”, chuyên gia Fred Burke nói và cho biết thêm rằng: “Thông thường khi đối mặt với một đại dịch như vậy, người nước ngoài sẽ quay trở về quê hương họ ở Bắc Mỹ, ở châu Âu, thậm chí Đông Bắc Á, nhưng với tỷ lệ tử vong do COVID-19 tương đối cao ở những khu vực này, họ sẽ cảm thấy an toàn hơn khi ở đây”.

Việt Nam phải hồi phục kinh tế nhanh như kiểm soát COVID-19. Ảnh minh họa.

Có quan điểm tương đồng, Công ty Phát triển liên doanh Kizuna - đơn vị xây dựng các nhà máy đang chuẩn bị đi vào hoạt động tại Việt Nam cho biết: “Nhờ phản ứng nhanh và thành công trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2, chúng tôi dự đoán đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch”. Kizuna hiện đang đẩy nhanh kế hoạch hoàn thiện một nhà máy rộng 100.000 m² ở khu vực phía Nam Việt Nam để đáp ứng nhu cầu gia tăng sau đại dịch. 

“Nhà máy này sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động vào tháng 7”, công ty nêu rõ. Các cố vấn hỗ trợ cho những công ty nước ngoài tái di dời chuỗi cung ứng cho rằng, thành công của Việt Nam trong ứng phó đại dịch đã giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. 

“Cảm nhận của tôi rút ra từ nhiều cuộc thảo luận cho thấy, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ nổi lên thành điểm sáng ấn tượng hơn cả trong con mắt của các nhà đầu tư”, ông Michael Sieburg - một đối tác của Công ty Tư vấn YCP Solidiance chuyên sâu về khu vực châu Á nói. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm những cơ sở sản xuất mới. Xu hướng chuyển đổi đã sẵn sàng. Trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã để mắt đến Việt Nam, khi tìm cách khắc phục chi phí lao động gia tăng và ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. 

Bên cạnh đó, các thỏa thuận thương mại của Việt Nam, chẳng hạn như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng khuyến khích cơ hội đầu tư.

Các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng nhận định, Việt Nam có thể tránh được suy thoái kinh tế trong năm 2020 nhờ các biện pháp ngăn dịch COVID-19 kịp thời. Nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Oxford Economics Sian Fenner đánh giá: “Việt Nam sẽ không tránh được tác động từ thực trạng nhu cầu thế giới chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ không rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng âm”. 

Nói về nguyên nhân, nhà kinh tế này cho rằng, nhờ sớm áp dụng lệnh hạn chế biên giới và giãn cách xã hội, Việt Nam đã tránh được làn sóng lây nhiễm lớn. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam còn hưởng lợi nhờ chuỗi cung ứng dần được đa dạng hóa. Hãng tin Bloomberg nhận thấy, khả năng “bật dậy” của kinh tế Việt Nam được khẳng định khi quốc gia Đông Nam Á này là một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Bằng chứng là đã có hơn 12 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư được thu hút riêng trong 4 tháng đầu năm 2020. Một số chuyên gia khẳng định, nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt nếu các nước như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt tái dịch chuyển các chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2020 công bố cuối tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, Việt Nam “là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN”. 

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng khẳng định, Việt Nam đã chống chịu tốt hơn ở phương diện kinh tế đối ngoại và kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại. Theo trang Nikkei Asian Review, trong một thế giới đen tối, Việt Nam một lần nữa lại trở nên nổi bật rõ ràng. Tuy nhiên, để duy trì sự tỏa sáng đang có, Việt Nam phải hồi phục kinh tế nhanh như kiểm soát COVID-19. 

Còn theo The Guardia, không khó để thấy rằng, Việt Nam đang có những cơ hội hiếm từ COVID-19. Tuy nhiên con đường phục hồi kinh tế hậu COVID-19 còn rất nhiều chông gai. Trong tương lai, Chính phủ sẽ phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn liên quan đến thời điểm và cách thức mở cửa đất nước trở lại. 

The Guardian nêu rõ: “Song, bất chấp rủi ro từ bên ngoài, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, dịch vụ và bán lẻ. Khả năng phục hồi của Việt Nam là rất lớn. Bởi phần đông dân số đã vượt qua gian khổ trong thời chiến nên họ sẽ có thể nhanh chóng vực dậy”.

Đại dịch COVID-19 là thảm họa dịch bệnh và thách thức y tế, cũng như tạo áp lực quản lý xã hội và phát triển kinh tế chưa từng có cho cộng đồng các nước, các doanh nghiệp trên thế giới, cũng như cho Việt Nam. Đã đến lúc cần đối mặt với khó khăn thách thức, thay đổi tư duy, chủ động thích nghi với thời cuộc.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.