Vì tôm cá, nhiều doanh nghiệp hạ giá nhau trên thị trường thế giới
- Từ vụ Formosa, đặt vấn đề việc kiểm soát công nghệ
- Nhiều băn khoăn về xây dựng đường sắt cao tốc từ năm 2020
Sáng nay UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Tờ trình dự thảo luật do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trình bày bao gồm 8 chương, 114 điều.
Tham gia góp ý tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với hàng loạt hiệp định thương mại như FTA, TPP… thì quan điểm trọng tâm là phát triển ngoại thương. Nhưng nhìn vào luật thấy thiên về việc quản lý ngoại thương nhiều hơn là phát triển ngoại thương.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp |
“Những quy định rất nặng nề, quyền lực Bộ trưởng Bộ Công thương rất lớn, về hạn ngạch, áp định thuế suất, cho anh nào đi anh nào ở..”, ông Bình nói. Ông đề nghị làm rõ sự giám sát, minh bạch và sự công bằng của hoạt động ngoại thương và quy định vấn đề minh bạch hoá quyền lực của Bộ Công thương.
Ông cũng băn khoăn về việc xử lý những cạnh tranh thu mua, đấu đá nội bộ giữa các doanh nghiệp Việt. “Từ con tôm, con cá, cây lúa, trái cây… chúng ta đang có hiện tượng chính nội bộ các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, nói xấu, hạ giá nhau trên thị trường thế giới. Ngay cả thế mạnh lớn của chúng ta là con cá ba sa cũng bị hạ giá…”, đại biểu phân tích.
“Đó là chưa kể những thương lái Trung Quốc đi về vùng đồng bằng Sông Cửu Long đưa tiền hẳn vào các hộ nông dân thu mua. Và doanh nghiệp ta thua ngay vì với giá nào họ cũng móc tiền ra mua… Vậy sự cạnh tranh đó ta đang xử lý ở điều khoản nào, mà tôi chưa thấy?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chất vấn thêm.
Ngoài ra, ông cũng đặt vấn đề vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, nghề nghiệp trong việc bảo vệ doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. “Hình bóng của các hiệp hội rất mờ nhạt, từ lúa đến tôm, điều… của chúng ta khi đi ra nước ngoài đều không được hỗ trợ nhiều”, ông nhận xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp |
Về phạm vi điều chỉnh, nhiều đại biểu cho rằng nên bổ sung vấn đề ngoại thương dịch vụ. “Ngoại thương đang chiếm thị phần dịch vụ lớn nhưng phạm vi Luật chỉ nêu ngoại thương hàng hoá. Chúng ta biết, hoạt động ngoại thương dịch vụ đi kèm rất quan trọng, như xuất khẩu, nhập khẩu. Nếu tách ra thì sợ không thuận”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng bổ sung: Trong thời điểm hiện nay chúng ta quản lý được ngoại thương hàng hoá là tốt, nhưng thực ra ngoại thương hàng hoá với ngoại thương dịch vụ gắn liền với nhau và không biết được cái nào hơn cái nào. Vì ngoại thương dịch vụ gắn với nền kinh tế tri thức, và nền kinh tế tri thức thì gắn liền với tài sản vô hình.
“Tài sản vô hình đôi khi còn lớn hơn cả tài sản hữu hình, ví dụ Uber mới ra vài năm nhưng tài sản gần 50-70 tỷ USD rồi… Thế giới bắt đầu đánh thuế nó 5%/năm. Tôi đề nghị cần phải nghiên cứu và đưa vào nội dung này”, ông nói.
“Nếu không điều chỉnh ngoại thương dịch vụ thì những dịch vụ liên quan trực tiếp đến xuất nhập khẩu hàng hoá, gắn liền hoạt động ngoại thương thì sao? Những dịch vụ về logicstic, kho bãi cũng gắn liền hoạt động ngoại thương, tại sao ta lại không điều chỉnh?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh. Theo ông, nên đưa một số loại dịch vụ gắn liền trực tiếp với hoạt động ngoại thương vào điều chỉnh trong luật.
Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát thêm một số vấn đề, giao đồng chí Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp rà soát, nếu đảm bảo sẽ trình ra Quốc hội.