Vì sao phải quản lý chặt chẽ sát hạch GPLX, kiểm định phương tiện

Thứ Năm, 01/10/2020, 20:31
Người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các kiến thức  và kỹ năng phòng ngừa TNGT, kỹ năng sơ cứu ban đầu TNGT, văn hoá ứng xử khi lái xe và các vấn đề bảo đảm TTATGT.


Chiều 1/10, tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 17, Uỷ ban Quốc phòng  và  An ninh (QP và AN) đã cho ý kiến dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự, phát biểu tại phiên họp. Thượng tướng Võ Trọng Việt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban QP và AN chủ trì phiên họp.

Đổi mới, hoàn thiện các chính sách về về bảo đảm TTATGT đường bộ

Báo cáo một số nội dung cơ bản của dự án Luật, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT; đổi mới, hoàn thiện các chính sách về về bảo đảm TTATGT đường bộ, khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp

“TTATGT đường bộ hiện nay đang rất phức tạp, đã có nhiều vụ việc gây nguy hiểm cho xã hội và đang nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập. Vi phạm phổ biến là ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT và kỹ năng của một bộ phận đáng kể người điều khiển phương tiện đáng báo động; tình hình TNGT, ùn tắc giao thông đang gây nhiều thiệt hại và bức xúc cho xã hội”. – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết và nhấn mạnh, việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 Luật để điều chỉnh chuyên sâu từng vấn đề cùng đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra trong từng lĩnh vực là rất cần thiết. 

Trong đó, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ với mục tiêu phòng ngừa, giảm thiểu TNGT, giảm thiểu tai nạn, bảo đảm an toàn, tính mạng cho người tham gia giao thông. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) với mục tiêu đầu tư, xây dựng, phát triển, phát triển vận tải đường bộ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm, trong quá trình xây dựng Luật. Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó cho thấy các quốc gia đều có luật riêng về TTATGT, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông. Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng phù hợp với xu hướng chuyên hoá trong xây dựng pháp luật hiện nay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, dự thảo Luật gồm 8 chương, 71 điều, quy định rõ ràng, đầy đủ hơn một số nguyên tắc giao thông. Dự thảo Luật cũng quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu có kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu có liên quan.

 Người học lái xe được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; được đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa TNGT, kỹ năng sơ cứu ban đầu TNGT, văn hoá ứng xử khi lái xe và các vấn đề bảo đảm TTATGT; chú trọng sát hạch kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

 “Kết quả đào tạo, sát hạch sẽ được thông tin công khai để nhân dân biết, giám sát” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh và cho biết, điểm mới của dự thảo Luật nữa đó là quy định về điểm của GPLX. Đây là một biện pháp quản lý hành chính đối với người lái xe sau khi được cấp phép.

Ban Soạn thảo dự án Luật

“Vấn đề an toàn giao thông cho người tham gia giao thông được chúng tôi cùng với Bộ Giao thông vận tải thảo luận rất kỹ và câu hỏi đặt ra ở Luật Giao thông đường bộ 2008 mà không có lời giải là: Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và người dân về an toàn? Luật này, nếu được Quốc hội thông qua là một bước đột phá về tư duy gắn với trách nhiệm cụ thể khi tình hình mất an toàn giao thông của chúng ta hiện nay, khi mà trung bình mỗi ngày hơn 20 người ra đi không trở về; hậu quả gây ra cho xã hội để chữa trị những người bị thương là quá lớn; hình ảnh một đất nước thanh bình nhưng hàng ngày phải chứng kiến rất nhiều thông tin về mất an toàn giao thông, tai nạn, ùn tắc giao thông làm cho trách nhiệm của chúng ta, trong đó trách nhiệm của cơ quan bảo vệ an toàn, tính  mạng, nhân quyền cho con người cũng phải được nâng cao” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Cơ bản nhất trí tách hai dự án Luật

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban QP và AN nêu rõ Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11 (cùng với thời điểm trình dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)).  

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt

Uỷ ban QP và AN cũng cơ bản nhất trí với các nội dung nêu trong dự thảo dự án Luật, đề nghị Chính phủ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo khả thi.

Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Ủy ban QP và AN cho rằng nội dung này thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông (kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe), liên quan trực tiếp đến TTATGTĐB, nên khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGTĐB là phù hợp; đồng thời, giao Bộ Công an để thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông; quản lý hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX.

Các đại biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đều nhất trí tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 dự án Luật để đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. “Chuyện tách nhập là bình thường, khi yêu cầu thực tế đòi hỏi phải tách Luật để đảm bảo tốt hơn cho người tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn thì chúng ta tách” – đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu ý kiến. 

Không vũ trang hoá các cơ sở đào tạo lái xe

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân thì bàn về việc có vũ trang hoá các cơ sở đào tạo lái xe hay không. Đại biểu nêu dẫn chứng trong dự án Luật và cho rằng, các cơ sở đào tạo lái xe do tư nhân đầu tư, quản lý sẽ tiếp tục đào tạo như bình thường. “Đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn để các đại biểu nghiên cứu, yên tâm về các cơ sở đào tạo, công nhân viên chức trong các cơ sở này sẽ được tiếp tục hoạt động bình thường. Không phải chuyển việc đào tạo lái xe sang Bộ Công an quản lý là Bộ Công an sẽ mở trường mở lớp” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, trong việc đào tạo, sát hạch GPLX thì việc quan trọng nhất là quản lý chặt chẽ, đào tạo được kỹ năng, kiến thức pháp luật, văn hoá tham gia giao thông... cho lái xe để đảm bảo họ tham gia giao thông an toàn. Bộ  Giao thông vận tải hay Bộ Công an đảm nhiệm tốt hơn việc này thì nên giao quản lý. Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ hơn trong các khâu đào tạo, sát hạch, ứng dụng KHKT trong đảm bảo ATGT đường bộ, tạo niềm tin cho nhân dân.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định  vấn đề TTGT và kết cấu hạ tầng giao thông đều phải được quan tâm, tập trung đảm bảo tính chuyên sâu, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người dân.

Về các ý kiến băn khoăn công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX giao cho Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: việc sát hạch là GPLX, kiểm định phương tiện  -  là kiểm soát những nguồn nguy hiểm gây TNTG thì phải được kết cấu trong Luật Bảo đảm TTATGT.

“Hiện nay, Bộ Công an thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh gọn biên chế đã đảm bảo Công an 4 cấp, đã triển khai Công an xã trên toàn quốc, chính vì vậy, việc nhận các việc để bảo đảm tốt hơn về ATGT thì sẽ tăng đầu việc được giao nhưng không tăng biên chế, chỉ thêm việc, không thêm người. Vấn đề quan trọng là đảm bảo tính chuyên sâu, khi  quy định cụ thể thì quản lý chặt chẽ hơn, tốt hơn”. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh và lấy dẫn chứng của nước Nhật Bản vào năm 1971  đã xảy ra ùn tắc giao thông đến mức thảm hoạ nhưng sau khi xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT, thực hiện kiên trì trong suốt 40 năm, đến nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu thế  giới về chỉ số an toàn giao thông.   

“Không  thể triệt tiêu  ngay TNGT nhưng quan trọng là chúng ta tiến tới văn minh trong tham gia giao thông, bớt dần tai nạn thảm khốc, thiệt hại con người, tài sản. Nếu dự án Luật được thông qua, chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân về đảm bảo TTATGT, có giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Phương Thuỷ
.
.
.