Về vụ xả súng bắn trẻ em kinh hoàng ngày 14/12/2012 ở Mỹ:

Vì sao các em “không bao giờ được trở về nhà nữa”?

Thứ Hai, 17/12/2012, 09:00
Vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut, Mỹ, ngày 14/12 vừa qua chỉ là một vụ việc nối dài thêm danh sách những vụ thảm sát kinh hoàng tại đất nước này. Đáng tiếc điều này lại diễn ra ở một đất nước vẫn tự cho mình cái quyền được phán xét các quốc gia khác về dân chủ và nhân quyền. Có người đặt câu hỏi: Vì sao nước Mỹ không cấm bán vũ khí để chủ động ngăn ngừa những vụ xả súng giết người?
>> “Văn hóa súng đạn” lại được yêu cầu xem xét

Vào ngày 14/12 vừa qua, cả thế giới rung động, bàng hoàng trước vụ xả súng khủng khiếp tại trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut, Mỹ. Thủ phạm Adam Lanza mới chỉ 20 tuổi đã bắn chết mẹ mình trước khi xả súng vào 20 em nhỏ, từ 5 đến 10 tuổi và 6 người lớn khác. Trong số nạn nhân tử vong có cả cô giáo Hiệu trưởng trường Tiểu học Sandy Hook, Newtown, Connecticut.

Ngay sau vụ thảm sát trên, Tổng thống Obama đã có bài phát biểu trước người dân Mỹ. Ông không thể cầm được nước mắt và nói: “Trái tim của tôi tan vỡ”…  “Từ nay các em không bao giờ được trở về nhà nữa”. Ông Obama gọi đây là thảm họa kinh hoàng của nước Mỹ. Ông chia buồn với các bậc phụ huynh, các gia đình có người thiệt mạng.

Ông hứa sẽ điều tra vụ việc và tìm biện pháp để không xảy ra các vụ xả súng như thế này nữa.

Vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut, Mỹ, ngày 14/12 vừa qua chỉ là một vụ việc nối dài thêm danh sách những vụ thảm sát kinh hoàng tại đất nước này. Hằng năm trung bình ở Mỹ có khoảng 30.000 người chết vì súng, đỉnh điểm là năm 2007, số người chết vì súng lên đến 34.000 người.

Trong các vụ xả súng thì nạn nhân đa phần là học sinh, sinh viên và hung thủ cũng nằm trong số đó. Trong năm nay, ít nhất đã có 4 vụ thảm sát bằng súng trong đó có 2 vụ thảm sát tại trường học phổ thông, 1 vụ tại trường đại học và 1 vụ tại rạp chiếu phim. Phần lớn hung thủ là học sinh, sinh viên. Sau khi giết bè bạn thầy cô giáo, họ cũng tự sát.

Học sinh Trường Tiểu học Sandy Hook được đưa đến nơi an toàn.

Thế là hung thủ cũng trở thành nạn nhân.  Đáng tiếc điều này lại diễn ra ở một đất nước vẫn tự cho mình cái quyền được phán xét các quốc gia khác về dân chủ và nhân quyền. Có người đặt câu hỏi: Vì sao nước Mỹ không cấm bán vũ khí để chủ động ngăn ngừa những vụ xả súng giết người?

Có người cho rằng nước Mỹ không thể cấm súng vì nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, về pháp luật, Hiến pháp Mỹ, 1789  cho phép cá nhân có quyền sở hữu và sử dụng súng. Trên cơ sở đó, “Luật Sở hữu súng (nằm trong Luật về Quyền cá nhân – Bill of Rights)  đảm bảo cho các công dân Mỹ có quyền sở hữu và mang súng và cho phép người mang súng có quyền nổ súng khi cảm thấy bị đe dọa”.

Tại nước Mỹ, hơn một nửa số tiểu bang trong cả nước đã thông qua Luật Sở hữu súng cho phép người sở hữu súng có thể mang nó đi bất cứ nơi đâu. Ở một số bang khác, súng chỉ được phép để tại nhà và được hạn chế bởi các loại súng có sát thương thấp. Nhưng bất chấp các quy định này, những vụ thảm sát vẫn xảy ra "đều đặn" hằng năm, như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa.

Tại nước Mỹ, tỷ lệ sở hữu súng cá nhân chiếm đến 89%, tương đương với 270 triệu người Mỹ (tính cả cụ già, em bé mới sinh) có súng ở trong nhà(!).

Thứ 2, về chính trị, thể chế đa đảng đối lập ở Hoa Kỳ đã dẫn đến quan điểm của đảng Dân chủ và Cộng hòa luôn luôn khác nhau trên lĩnh vực này. Đảng Dân chủ chủ trương cấm các loại vũ khí sát thương cao. Tuy nhiên, ở phía đối lập, đảng Cộng hòa lại ủng hộ tuyệt đối cho Luật Sử dụng súng cá nhân. Quan điểm này được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hiệp hội Súng của Mỹ (NRA). Tình trạng đối lập này dẫn đến cho tới nay Quốc hội Hòa Kỳ chưa một lần nào đưa ra được quyết định liệu có thể cấm sử dụng súng hay không.

Theo báo cáo của Hiệp hội Súng thể thao Quốc gia Mỹ (NSSF), trong năm qua, doanh số buôn bán súng ống của nước này đạt 31,8 tỷ USD, tăng từ 24,8 tỷ USD của năm 2009, tạo ra rất nhiều công việc làm và thuế cho nước Mỹ. Dù đang trong cơn suy thoái, ngành công nghiệp này không hề bị ảnh hưởng, công việc liên quan đến nó tăng 30% giữa thời gian từ năm 2008 đến năm 2011. Có người cho rằng các tập đoàn công nghiệp sản xuất súng đã có những đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia và họ đang là người đứng đằng sau đảng Cộng hòa trong việc duy trì Luật về Quyền sử dụng súng của cá nhân.

Thực tế cho thấy, ở Hoa Kỳ không phải là “miền đất hứa”. Không phải những gì người dân mong muốn đều được nhà nước bảo vệ. Chấm dứt các vụ xả súng là một ví dụ.

 Goddard, một người sống sót trong vụ xả súng năm 2007, (hiện là  thành viên “Chiến dịch Brady ngăn chặn súng và bạo lực” ở Hoa Kỳ) nói: Nước Mỹ phải xem xét “những gì chúng ta có thể làm từ giờ tới vụ xả súng lớn tiếp theo ở đất nước này”(!).

Ông đặt câu hỏi: “Những người ra quyết định không hiểu sao nghĩ rằng, họ không thể gây ảnh hưởng, rằng họ không thể làm gì, trong khi phần lớn chúng ta không muốn sống trong một đất nước như thế này?”. Cái phi logic mà Goddard nêu ra nằm trong chính nền chính trị của quốc gia này, rằng lợi ích của các tập đoàn kinh tế, trong đó có tập đoàn công nghiệp sản xuất súng, vẫn đang chi phối nghị trường! 

Thứ 3, về văn hóa, có người cho rằng “văn hóa súng đạn và bạo lực” đã bám rễ sâu xa trong tư duy người Mỹ của các vụ xả súng ở đây.

Một điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu Gallup cho thấy, số lượng người ủng hộ cá nhân được sử dụng súng ngày càng tăng ở Mỹ. Vào năm 1960, có 60% số người được hỏi ủng hộ một luật cấm lưu hành súng thì đến năm 2009, con số ủng hộ chỉ còn 29%. Mức thấp kỷ lục của những người ủng hộ việc cấm lưu hành súng là vào năm 2011 với 26%, trong khi những người muốn có súng cá nhân lên đến mức 73%.

Không phủ nhận rằng văn hóa nghệ thuật của Hoa Kỳ là một phần quan trọng trong nền văn hóa và văn minh của nhân loại ngày nay. Ở Mỹ, đã từ lâu văn hóa nghệ thuật đã trở thành một ngành kinh tế lớn. Ở đây với nguồn lực tài chính dồi dào, các ngành văn học, điện ảnh, trò chơi điện tử (game), internet… phát triển mạnh mẽ. Song cũng chính nền văn hóa này đã tạo ra “văn hóa súng đạn và bạo lực”. Cần lưu ý rằng, nền văn hóa này đang có khuynh hướng lan rộng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Cho dù vô tình hoặc hữu ý, thứ văn hóa nói trên đang cổ vũ cho bạo lực, bất chấp ý tưởng nhân văn của họ, rằng: “Các cảnh bạo lực chỉ là phương tiện truyền tải tính thiện”(!).

Trong văn hóa, nghệ thuật, phương tiện cũng “sẵn sàng” trở thành mục đích!

Hãy lấy vụ xả súng trong rạp chiếu phim ngày 20/7/2012, ở thành phố Aurora, tiểu bang Colorado là một ví dụ. Hôm đó, người ta công chiếu bộ phim The Dark Kight Rises.  Kẻ sát nhân đeo mặt nạ chống độc theo mô phỏng hình tượng nhân vật trong phim. Sau vụ xả súng này, đoạn phim có cảnh các băng nhóm xã hội đen xả súng vào khán giả đi xem phim trong rạp đã bị cắt.

Cũng cần phải nói thêm rằng, một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng bạo lực tràn lan, việc sử dụng súng tùy tiện còn do quan điểm về tự do cá nhân đã được đẩy lên cực đoan ở Hoa Kỳ. Người ta đã đặt quyền và tự do của cá nhân lên trên lợi ích của cộng đồng. Đây là điều mà nhiều quốc gia không chấp nhận.  

Sinh mệnh của con người là quý nhất. Người dân trao cho Nhà nước các quyền của mình để đổi lại họ được Nhà nước bảo vệ. Đó là nội dung cốt lõi của công trình nghiên cứu “Khế ước xã hội” của Jean - Jacques Rousseau. Bảo vệ có hiệu quả sinh mạng của người dân là một trong những thước đo cơ bản của một Nhà nước. Chân lý này không phân biệt chế độ xã hội, hệ tưởng, bản sắc văn hóa, trình độ phát triển của các dân tộc

Bắc Hà
.
.
.