Vì sao Chính phủ đề nghị Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch GPLX?

Thứ Ba, 15/09/2020, 08:48
Khi dự án Luật được thông qua, các cơ sở đào tạo lái xe vẫn được xã hội hoá như hiện nay, người học sẽ được tự chọn các trung tâm đào tạo lái xe chất lượng tốt, được chọn thầy dạy và được yêu cầu Trung tâm phải đảm bảo giờ dạy, giờ chạy trên đường và các kỹ năng khác theo quy định

Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT), trong đó, Chính phủ thống nhất tách Luật Giao thông đường bộ  thành hai dự án luật, là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ (là luật mới). Chính phủ thống nhất nội dung cơ bản của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. 

Trong đó, đáng chú ý là việc Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay.

Một buổi học tại trung tâm đào tạo lái xe.

Từ năm 1995 trở về trước, lực lượng Công an tổ chức sát hạch, cấp, quản lý GPLX, đảm bảo đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước, bởi vì khi xử phạt vi phạm cũng đồng thời theo dõi quản lý được lịch sử lái xe vi phạm, chấm điểm được quá trình lái xe để có các biện pháp giám sát chặt chẽ lái xe. Sau khi chuyển sang Bộ Giao thông vận tải quản lý, việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GLPX có quá nhiều bất cập kẽ hở, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế dẫn đến nhiều vụ TNGT do lái xe thiếu kỹ  năng, thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Thậm chí, người bị truy nã, người cụt chân, người nghiện ma tuý vẫn được cấp, đổi GPLX. Đây cũng chính là những vi phạm "chết người", gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, bị thương. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT đã phát hiện 653 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe ban đêm

Cũng chính vì việc đào tạo, sát hạch GPLX “có vấn đề”, chưa đảm bảo chất lượng nên trên thực tế đã xảy ra không ít vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ TNGT xảy ra ở quận Long Biên, Hà Nội khi xe tải container chồm lên xe con đang dừng đèn đỏ khiến 3 người chết, 1 người bị thương vào đầu tháng 8 vừa qua tại khu vực ngã tư Sài Đồng - Nguyễn Văn Linh, phường Sài Đồng. Tại cơ quan Công an, Lê Thế Tuyển, lái xe Ô-tô đầu kéo khai nhận do mất tập trung nên  đã không làm chủ được tay lái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Là người thụ lý vụ án, Thượng uý Phạm Quốc Anh, ĐTV Công an Quận Long Biên người trrực tiếp điều tra vụ án cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn có một phần do kỹ năng lái xe, xử lý tình huống trên đường của tài xế chưa tốt. Cũng là người thường xuyên điều tra án TNGT, Thượng uý Phạm Quốc Anh cho biết, “Qua điều tra những vụ va chạm giao thông chúng tôi nhận thấy 1 điều khi lái xe đi đến ngã tư không giảm tốc độ, không thực hiện biện pháp nhường đường và không chú ý quan sát nên đã xảy ra tai nạn giao thông, Bên cạnh đó ở nội đô, 1 số lái xe khi dừng, đỗ xe không chú ý phía sau nên đã gây ra TNGT. 

Tôi lấy ví dụ một kỹ năng rất đơn giản khi chuyển hướng, chuyển làn, lái xe phải giảm tốc độ, nhìn gương để quan sát các phương tiện đang đi phía sau. Tuy nhiên, có nhiều vụ tai nạn, lái xe chủ quan không nhìn gương, không giảm tốc độ nên đã gây tai nạn. Hậu quả những vụ tai nạn như thế thường rất nặng”.

Không chỉ kỹ năng kém, nhiều lái xe đang bị kết án tù cũng được cấp đổi GPLX. Nhớ lại vụ tai nạn trên QL14 thuộc xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, xe ô tô khách BKS 47V-2371 khi đang lưu thông hướng Đắk Lắk - Đắk Nông đã lao xuống sông Sêrêpôk khiến 34 người chết, 22 người bị thương vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người, đặc biệt là gia đình các nạn nhân và những người làm công tác cứu hộ.  

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định lái xe là Phạm Ngọc Lâm, SN 1970, trú ở Khánh Hòa là đối tượng nghiện ma túy. Điều đáng nói là Lâm bị bắt vì mua bán trái phép chất ma túy, bị kết án 8 năm tù giam nhưng không hiểu lý do gì, trong thời gian đang chấp hành án tại trại giam, Lâm vẫn được đổi GPLX (trong khi quy định đổi GPLX phải có ảnh chụp trước 6 tháng và giấy khám sức khỏe do cơ quan thẩm quyền cấp).

CSGT đo nồng độ cồn lái xe

Là 1 trong những nơi tiếp nhận, điều trị những ca tai nạn giao thông, trung bình mỗi năm khoa cấp cứu bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận trên 1.000 ca do tai nạn giao thông. Vừa tham gia điều trị, lại trực tiếp giám sát hoạt động này, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân do người điều khiển giao thông chưa được trang bị kiến thức về an toàn giao thông đầy đủ và có thể là nguyên nhân gián tiếp chính là đào tạo, sát hạch lái xe. So sánh rất đơn giản thôi là tỷ lệ tai nạn giao thông những năm gần đây cao nhất so với trên thế giới không có nước nào mà tai nạn giao thông do ô tô, xe máy gây ra cao như ở VN. Từ tai nạn nhỏ đến tai nạn nặng nề cũng đều gây ra thiệt hai, là 1 gánh nặng cho xã hội.

Cũng do dễ dãi trong việc cấp đổi GPLX nên hiện nay, tại các phòng CSGT của tất cả các địa phương trong cả nước đều đang lưu giữ hàng trăm nghìn GPLX nhưng không có người đến nhận. Nhiều địa phương tồn tại hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn GPLX như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An... khiến các tủ hồ sơ của phòng CSGT bị quá tải. Với hàng trăm nghìn GPLX tồn đọng trên, chắc chắn hơn 100 nghìn người vi phạm không phải ai cũng bỏ luôn việc lái xe, thậm chí, có thể tất cả trong số họ vẫn tiếp tục lái xe. 

Nhưng, lý do họ không đến nhận vì việc làm lại, thi lại GPLX quá dễ dãi, số tiền bỏ ra để xin cấp lại, thi lại ít hơn số tiền họ bị nộp phạt nên họ sẵn sàng "lách luật". Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đã phát hiện không ít trường hợp có đến 2-3 GPLX cùng tồn tại song song. Nhiều lái xe cho rằng việc cấp lại GPLX quá dễ dàng, ít tốn kém, trong khi số tiền họ bị xử phạt rất cao, nhất là các lỗi về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ có thể lên đến hàng chục triệu đồng nên họ không đến nộp phạt.

Chính vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay, Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.  

Đại tá Đỗ Thanh Bình,  Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GLLX là  quá trình vừa cung cấp thông tin, vừa cung cấp về kĩ năng, vừa cung cấp về khả năng tham gia giao thông của từng người và cái nữa là quản lý cái quá trình tự chấp hành của từng người. Trong dự thảo luật, phải công khai cái kết quả đào tạo và sát hạch và chắc chắn trong cái sát hạch sẽ có nhiều nội dung, rất sát với thực tiễn, từ hoạt động nghiệp vụ rút ra từ các vụ tai nạn để bổ sung vào chương trình, giáo trình đào tạo và cái nữa là cái quản lý người tham gia giao thông để làm sao người ta tự phòng ngừa, tự chấp hành để bảo vệ mình, bảo vệ người khác.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, thêm, khi dự án Luật được thông qua, các cơ sở đào tạo lái xe vẫn được xã hội hoá như hiện nay, người học sẽ được tự chọn các trung tâm đào tạo lái xe chất lượng tốt, được chọn thầy dạy và được yêu cầu Trung tâm phải đảm bảo giờ dạy, giờ chạy trên đường và các kỹ năng khác theo quy định.

Mục tiêu lớn nhất của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, theo các chuyên gia việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong dự án luật là cần thiết nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, xây dựng nền giao thông văn minh, tôn trọng pháp luật.                                      


Phương Thuỷ
.
.
.