Về quản lý của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua tư liệu Hán Nôm

Thứ Ba, 27/05/2014, 09:52
Tư liệu Hán Nôm viết về lập trường của nhà nước phong kiến Việt Nam xác định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông được sao chép trong các loại tài liệu.

Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã sưu tập được rất nhiều đơn vị tài liệu Hán Nôm ghi chép về chủ đề này, đã thể hiện nhất quán lập trường quan điểm của nhà nước phong kiến Việt Nam từng quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Đây là những tư liệu thuộc về nhà nước quản lý, rất có giá trị khoa học và làm căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Nội dung của các tư liệu Hán Nôm có thể khái quát vào ba vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, hàng năm, nhà nước phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình. Chúng tôi xin nêu một số chuyến đi khảo sát quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam vào các triều vua thời Nguyễn như sau:

Bộ Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Bộ ván khắc Đại Nam thực lục đang lưu giữ trong kho Mộc bản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 (Đà Lạt), được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2009 thuộc Chương trình Ký ức thế giới; văn bản in đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Cộng hòa Pháp. Theo những ghi chép trong bộ Đại Nam thực lục, vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn, đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn là phái người đi thăm dò đường biển ra đảo Hoàng Sa, tiếp tục đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ để khẳng định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với quần đảo này, xin nêu một số ví dụ: “Năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815),… sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa thăm dò đo đạc thủy trình”. Năm Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long lại tiếp tục phái đội Hoàng Sa đi thăm dò đường biển ra quần đảo Hoàng Sa..

Thời vua Minh Mệnh, việc thăm dò và khảo sát đo đạc quần đảo Hoàng Sa được nhà nước tiến hành thường xuyên hơn, có qui mô rộng lớn hơn và cụ thể hơn. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Tháng 3, mùa xuân năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834),… sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi vẽ bản đồ”. Hai năm sau, việc khảo sát quần đảo Hoàng Sa được vua Minh Mệnh ra lệnh hết sức cụ thể và với qui mô lớn hơn, hơn nữa vua Minh Mệnh còn cho cắm mốc để khẳng định chủ quyền quốc gia. Với những quan tâm của vua Minh Mệnh và sự cố gắng của các quan viên, nên vào năm 1838, vua Minh Mệnh đã có bản vẽ tường tận hơn về quần đảo Hoàng Sa: “Ngày 1 tháng 7 mùa thu năm Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838),… Viên ngoại lang Bộ Công là Đỗ Mậu Thưởng vâng mệnh đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa trở về đem bản đồ dâng trình…

Trong một bộ sử khác của triều Nguyễn là Quốc triều chính biên toát yếu cũng ghi chép khá chi tiết về việc người Việt Nam đo vẽ quần đảo Hoàng Sa.

Bên cạnh những tư liệu lịch sử ghi lại các đợt đi khảo sát, đo vẽ và cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam thời Nguyễn, còn các tài liệu mang tính pháp qui của nhà nước ban hành cũng ghi chép hết sức tường tận về vấn đề này, đó là tài liệu Châu bản. Về việc các chúa Nguyễn và vua triều Nguyễn đã phái người đi thăm dò, khảo sát đường biển, cắm mốc và vẽ bản đồ ở quần đảo Hoàng Sa, đã được các Châu bản ghi lại cũng khá đầy đủ và chi tiết.

Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) ghi “Bộ Công phúc trình: Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần (trong đó) có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài (cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dầy 1 tấc - dòng chữ này do nhà vua Minh Mệnh viết bên cạnh) viết to khắc sâu dòng chữ: Ghi họ tên viên Cai đội thủy quân năm Bính Thân Minh Mệnh thứ 17 (1836) vâng mệnh đi khảo sát Hoàng Sa. Đến Hoàng Sa thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh”.

Châu bản ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) ghi: “Vâng mệnh chiếu xét khoản cử người đến Hoàng Sa, Bộ thần đã bàn xin đến hạ tuần tháng 3 ra khơi đến (Hoàng Sa) để đo vẽ khảo sát toàn bộ xứ đó, đến hạ tuần tháng 6 thì trở về... Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng ...”.

Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) ghi: “Nay tiếp nhận các viên Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá thuộc ty của Bộ thần (đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa) đã trở về. Bộ thần đã hỏi qua, các viên đó trình bày lần này (đoàn khảo sát) đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng (trong đó kiểm tra lại 12 đảo hàng năm các đoàn đã đến, 13 đảo chưa có đoàn nào đến). Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, còn một vùng ở phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm (cử thuyền) đến đó”.

Hai là, nhà nước đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển, đảo. Sách Đại Việt sử ký tục biên viết: "Vào năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào". Sách Phủ biên tạp lục ghi: "Chúa Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không có định suất, hoặc lấy người thôn Tứ Chính, hoặc người xã Cảnh Dương phủ Bình Thuận, ai tình nguyện thì cấp giấy sai cho đi... Lại sai quan đội Hoàng Sa này kiêm quản... ".

Không những cử người ra Hoàng Sa, nhà nước còn cho xây dựng miếu và đặt bia trên đảo Hoàng Sa, điều này được ghi rõ trong Đại Nam thực lục. Lại nữa sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng ghi về sự kiện này: "Năm thứ 17, chuẩn tấu xứ Hoàng Sa là cương giới biển vô cùng hiểm yếu. Năm Minh Mệnh thứ 15, từng phái quân biền binh và quan Giám thành trước đã cùng ra đó xem xét, vì gió lớn nên chưa thám sát được nơi này. Năm ngoái lại phái (người) ra đó xây miếu, dựng bia, đồng thời vẽ bản đồ...".

Ba là, nhà nước phong kiến Việt Nam luôn quan tâm giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông cho các thế hệ người Việt Nam. Trong các tài liệu Hán Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu cũng đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông, như các sách: Khải đồng thuyết ước, khắc in năm Tự Đức Tân Tỵ (1881), là cuốn sách dạy về các kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý, v.v.., trong sách có bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tu thân luân lý khoa, nội dung ghi về cách cư xử giữa vua tôi, chồng vợ, bạn bè, v.v.., có dẫn các gương tốt trong lịch sử Việt Nam. Phần viết về địa dư tỉnh Quảng Ngãi có ghi Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Những dẫn chứng trên cho thấy, nhà nước phong kiến Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Như vậy, rõ ràng là Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo nằm ở Biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam do nhà nước phong kiến các triều quản lý. Hai quần đảo này từ rất lâu đã trở thành địa điểm của cư dân Việt Nam sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam. Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông là của Việt Nam, đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học và về pháp lý

T.K.M.
.
.
.